Huyện Võ Nhai: Phát huy tiềm năng, thế mạnh để hội nhập và phát triển

14/08/2023 - 10:25 AM
Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, huyện vùng cao Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, kế hoạch năm. Chính sách giảm nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... đã phát huy hiệu quả, tạo nên những đổi thay tích cực trên vùng đất còn nhiều khó khăn này.
 
Nông dân xóm La Đồng, xã La Hiên thu hoạch na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Hoàng Nguyên – TTXVN
 

Nỗ lực vươn lên từ gian khó

Huyện Võ Nhai nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 37 km; đây là nơi sinh sống của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, HMông... Nơi đây sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh hoang sơ, hấp dẫn và hiện vẫn bảo tồn, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như tiếng nói, y phục, các làn điệu dân ca, dân vũ mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng. Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, vùng An toàn khu Võ Nhai nay đã “thay da đổi thịt”, trở thành vùng đất trù phú.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cùng lãnh đạo huyện Võ Nhai
thăm mô hình trồng bưởi diễn tại xã Tràng Xá. Ảnh: Vân Khánh
 
Đáng chú ý, Võ Nhai đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu hằng năm tăng bình quân 6,4%/năm (vượt 0,4%); Cơ cấu kinh tế năm 2020: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 38,3%; Công nghiệp, xây dựng chiếm 54,8%; Thương mại, dịch vụ chiếm 6,9%. Sản lượng lương thực có hạt hằng năm: 51.409 tấn (vượt 1.409 tấn). Thu cân đối ngân sách bình quân hằng năm tăng 13% (vượt 3%).
 
Trong phát triển nông, lâm nghiệp, dù chỉ có 13% diện tích đất nông nghiệp, song những năm qua, Võ Nhai tập trung phát triển vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Na, bưởi, ổi... Hiện, địa phương đã có 1.672 ha cây ăn quả, chủ yếu tập trung tại các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá... (trong đó có 520 ha cây ăn quả các loại được cấp chứng nhận VietGAP). Với 1.300 ha chè, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ tiên tiến, mở rộng vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP lên 200 ha, kết hợp với công nghệ sao sấy tiên tiến.
 
Bà con người Mông ở khu Lân Chiêu, xóm La Mạ, xã Lâu Thượng tích cực đưa các giống ngô mới vào trồng 
để nâng cao năng suất, sản lượng. Ảnh: Tư liệu
 
Đến nay, toàn huyện Võ Nhai có 8 sản phẩm nông nghiệp thế mạnh được chứng nhận OCOP, gồm: Mỳ gạo Tiền Phong, na La Hiên, bún khô Tiến Diện, chè móc câu Tràng Xá.... Nhiều sản phẩm đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc như: Ổi Phú Thượng, mật ong La Hiên, gạo Bao thai Dân Tiến, đậu phụ Bình Long...
 
Lĩnh vực chăn nuôi cũng được chú trọng. Ở một số xã đã hình thành vùng chăn nuôi tập trung với khoảng 30 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
 
Sản phẩm na xã La Hiên, huyện Võ Nhai ngày càng được khách hàng ưu chuộm vì hương vị thơm ngon, bổ dưỡng
 
Cùng với đó, Võ Nhai cũng đã xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp, hướng tới liên kết sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên, góp phần quảng bá nông sản địa phương...
 
Đối với đề án về phát triển du lịch, Võ Nhai hiện có 82 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh với các điểm du lịch nổi tiếng như: Di chỉ khảo cổ học Mái đá Ngườm, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà (Phú Thượng), rừng Khuôn Mánh - nơi ra đời Đội Cứu quốc quân II, Di tích địa điểm lưu niệm Bác Hồ ở Làng Vang (Liên Minh), thác Mưa Rơi (Thần Sa)... cùng hệ sinh thái núi đá vôi đa dạng sinh học là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hiện, Huyện đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch các tỉnh và một số doanh nghiệp thực hiện khảo sát các tour du lịch tại địa phương và kết nối với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh.
 
Các sản phẩm OCOP của Võ Nhai đã được đưa vào các Hội chợ thương mại trong và ngoài huyện
 
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Võ Nhai đặc biệt chú trọng triển khai có hiệu quả 2 chương trình mục tiêu Quốc gia: Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Hiện toàn huyện đã có 6/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng xã La Hiên đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, địa phương cũng tích cực lồng ghép các chương trình, dự án của Chính phủ đối với các xã đặc biệt khó khăn trong thực hiện công tác giảm nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên so với năm 2022.
 
Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hoàn thiện cụm công nghiệp Cây Bòng (xã La Hiên), phối hợp quản lý tốt cụm công nghiệp nhỏ Trúc Mai... Nhờ tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp địa phương phát triển, tốc độ phát triển công nghiệp của địa phương tăng bình quân hằng năm đạt 7%. Trong đó, một số ngành phát triển khá hiệu quả như: Sản xuất gang, may công nghiệp, vật liệu xây dựng không nung, chế biến gỗ... Hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đã giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm xây dựng, gỗ rừng trồng và tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
 
Năm 2022, thực hiện nhiệm vụ chính trị, Võ Nhai có 12/12 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn huyện ước đạt 2.741, vượt 12,2% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,2% so với năm 2021, đạt 140% chỉ tiêu nghị quyết... Đây là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân vùng cao Võ Nhai.
 
Mục tiêu lớn cho giai đoạn 2021-2025
 
Phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021-2025, huyện Võ Nhai đặt mục tiêu giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu hàng năm tăng 7,1%: Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (35%); công nghiệp xây dựng (56%); thương mại dịch vụ (9%); Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,5%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 8%/năm; giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 9%/năm. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng xã hội tăng 12%/năm; phấn đấu đến năm 2025 có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 3% trở lên…
 
Công nhân Điện lực Võ Nhai đóng điện dự án phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân
 
Từ nay đến năm 2025, huyện Võ Nhai tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; mở rộng diện tích cây chè, cây ăn quả; phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn... Qua đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, sản xuất công nghiệp, chế biến nông lâm sản. Bên cạnh đó, Huyện sẽ tranh thủ nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; khai thác và sử dụng tốt các nguồn vốn;... để phát triển kinh tế bền vững./. 
 

                                                                                                     Trọng Nghĩa

 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top