Huyện Kiến Thụy – Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với XDNTM kiểu mẫu

07/06/2022 - 10:21 PM

Đó là mục tiêu và định hướng phát triển đã được huyện Kiến Thụy đề ra theo Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình XDTNM kiểu mẫu của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 và giao cho các ngành, các địa phương trên địa bàn Huyện tổ chức, triển khai thực hiện, đạt hiệu quả thiết thực.

Cụ thể, trong giai đoạn này, huyện Kiến Thụy tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.

 Mô hình tích tụ ruộng đất trồng rau màu công nghệ cao tại xã Tú Sơn

Để triển khai thực hiện, huyện Kiến Thụy xác định một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 như: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2%/năm. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông nghiệp; trong đó, trồng trọt chiếm 21,4%, chăn nuôi chiếm 29,18%, thủy sản chiếm 47,9%. Giá trị trên 01 đơn vị diện tích đạt 250 triệu đồng/ha/năm, tỷ lệ diện tích trồng trọt được ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao đạt trên 50%.

Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng mà huyện Kiến Thụy triển khai thực hiện đó là tập trung tích tụ ruộng đất để xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, quy hoạch vùng sản xuất công nghệ cao và phát triển sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo hướng duy trì diện tích đất chuyên trồng lúa khoảng từ 2.000-2.500 ha tại các xã Ngũ Đoan, Đại Đồng, Ngũ Phúc, Thuận Thiên...). Diện tích còn lại chuyển đổi sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm ứng dụng công nghệ cao tại cã xã Tú Sơn, Thụy Hương, Đại Hà. Thực hiện các giải pháp hạn chế tối đa tình trạng bỏ ruộng hoang hóa, không canh tác tại địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ như canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất cây trồng trong nhà lưới, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Anh Nguyễn Sĩ Hưng, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, trồng dưa trong nhà kính theo công nghệ của Israel
 

Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện Kiến Thụy quy hoạch, phát triển các vùng chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, khép kín, bảo vệ môi trường ở các vùng xa khu dân cư tại các xã Tú Sơn, Tân Phong, Ngũ Đoan. Từng bước hạn chế, tiến tới dừng việc chăn nuôi trong khu dân cư, chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Phát triển chăn nuôi lợn giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ quản lý, hệ thống giết mổ công nghiệp hiện đại, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với vùng chăn nuôi tập trung. Về đàn gia cầm, huyện sẽ tiến hành đầu tư, cải tạo giống chất lượng, phát triển các giống gia cầm bản địa có hiệu quả kinh tế cao như gà Liên Minh, Đông Tảo, Đông Tảo lai, gà Ri lai, gà siêu trứng...

Nhằm mở rộng các vùng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, huyện sẽ tiến hành rà soát toàn bộ diện tích đất trồng lúa sâu trũng, năng suất kém hiệu quả để chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng các loài cá truyền thống. Bên cạnh đó, tăng cường khai thác thủy sản xa bờ bằng tàu đánh cá được trang bị các thiết bị hiện đại để tiến tới cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu. Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến sản phẩm ngay trên tàu, thuyền nhằm nâng cao chất lượng hải sản.

 Tham quan mô hình áp dụng dịch vụ diệt chuột trong sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại xã Tân Trào

Với những sản là phẩm thế mạnh của địa phương, sẽ tiến hành lựa chọn những ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nuôi thâm canh tại các vùng nuôi tập trung, đồng thời hình thành các khu chế biến thủy sản, các chợ đầu mối, cảng cá phân phối và bao tiêu sản phẩm. Phát triển công nghệ vào các công trình thuỷ lợi, các kỹ thuật và giải pháp biến đổi khí hậu: Chống xói mòn, xâm nhập mặn, nước biển dâng...; các mô hình tưới tiêu. Áp dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh hướng sản xuất quy mô lớn kiểu công nghiệp.
 
Để tạo tăng cường mối liên kết sản xuất với tiêu thụ, huyện sẽ đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã 1 sản phẩm theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu. Thực hiện kết hợp nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các hộ sản xuất nông nghiệp vệ tinh liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (phát triển các mô hình hợp tác, tổ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả để tổ chức liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm). Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp hoạt động trên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế.

 

Huyện Kiến Thụy đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Ảnh:
Nông dân xã Thuận Thiên thu hoạch lúa


 
Song song với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Kiến Thụy cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng huyện nông thôn mới và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Năm 2021, toàn huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và đưa vào sử dụng 5 hạng mục công trình. Ngoài ra, huyện còn ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thanh Sơn, phê duyệt đầu tư xây dựng 17 công trình giao thông, 1 công trình môi trường với kinh phí 192,135 tỷ đồng; hoàn thành 15/17 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu xã Thụy Hương; huyện triển khai 28 công trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với tổng kinh phí đầu tư 145.330 triệu đồng; vận động 424 hộ dân hiến 8.496,1 m2 tương ứng với kinh phí khoảng 33.716,86 triệu đồng…

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Kiến Thụy đã tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm có hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021 đối với 20 sản phẩm của 5 chủ thể. Kết quả, 20/20 sản phẩm đã được đánh giá phân hạng đạt tiêu chuẩn đánh giá các sản phẩm OCOP cấp thành phố; trong đó, 15 sản phẩm xếp hạng 4 sao; 5 sản phẩm xếp hạng 3 sao cấp thành phố…

Những tuyến đường NTM Kiểu mẫu xã Thụy Hương được hoàn thành và đưa vào sử dụng

 
Có thể nói, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sự đổi mới về chất lượng theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để đạt được những kết quả cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, huyện Kiến Thụy sẽ nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp rộng rãi để người dân hiểu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, chế biến trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp nông nghiệp - nông dân - nông thôn của huyện có được bước tiến mới vững chắc, góp phần thay đổi diện mạo ngày càng giàu đẹp, văn minh của quê hương Kiến Thụy./.

                                                                                                       Minh Hà

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top