Nghệ An: Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số

14/08/2023 - 10:33 AM
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích của tỉnh; dân số vùng DTTS và miền núi trên 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh.

Những năm qua, để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp, một trong số đó là phát triển mạnh mô hình kinh tế tập thể để tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hóa cho nông sản của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Trong những năm qua, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng DTTS và miền núi nói riêng, như: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; thành lập mới HTX, liên hiệp HTX; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...

Nhờ đó, mô hình kinh tế tập thể, HTX ở vùng DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An phát triển cả về chất và lượng. Đến nay, tại 11 huyện miền núi ở Nghệ An có khoảng 318 HTX, tạo việc làm cho gần 30.000 lao động với mức thu nhập trung bình đạt 3,6 triệu đồng/lao động/tháng. Các HTX đã mở rộng phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các HTX trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An đã phát huy được vai trò quy tụ, tập hợp người dân tham gia sản xuất trong các HTX, sáng tạo nhiều mô hình sản xuất hay, tạo ra sản phẩm có quy mô lớn hơn; đồng thời làm cầu nối cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người sản xuất, cũng như đưa sản phẩm địa phương ra thị trường tiêu thụ.

 
Nghệ An: Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sản phẩm từ cây tre, cây mét đã giúp người DTTS ở bản Diềm (huyện Con Cuông)
từng bước thoát nghèo

 
Đơn cử như tại huyện Con Cuông, một số HTX đã xây dựng được sự kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên, như: HTX cây con xã Chi Khê; HTX dịch vụ ăn uống du lịch cộng đồng bản khe Rạn; HTX mây tre đan Bản Diềm, xã Châu Khê … Đặc biệt,  HTX Dược liệu Pù Mát, đã thu hút được nhiều thành viên là các hộ dân người DTTS tham gia tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, trồng cây nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành các sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ trà dược liệu túi lọc, cao Cà gai leo, Dây thìa canh, trà dược liệu Giảo cổ lam. HTX đã vào chuỗi sản xuất với diện tích hàng chục ha nguyên liệu.

Không chỉ ở huyện Con Cuông, ở huyện Quế Phong cũng có nhiều HTX của người DTTS sản xuất giỏi, phát triển các kênh tiêu thụ tốt, tạo được công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc tại địa phương. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na do anh Lang Văn Mão - người dân tộc Thái cùng các hộ dân thành lập vào năm 2019. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX luôn tích cực hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách từ Nhà nước, đặc biệt là tìm đầu ra cho con cá, từ đó giúp nhiều hộ dân người DTTS chuyển từ việc đánh bắt cá tự nhiên sang nuôi cá hàng hoá, đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các gia đình. Từ mô hình này, nhiều hộ dân người DTTS đã thoát nghèo, đời sống kinh tế ổn định hơn.

 
Nghệ An: Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số 1
Mô hình nuôi cá lăng của HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na (huyện Quế Phong)
 
Có thể nói, với sự quan tâm của tỉnh, mô hình kinh tế tập thể tại khu vực vùng DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An đã có sự phát triển tích cực, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, số lượng các HTX trong vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Nghệ An vẫn còn khá ít, mới chỉ chiếm 35% số lượng HTX trên toàn tỉnh. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng về thế mạnh của khu vực này.

Để kinh tế tập thể, HTX ở Nghệ An đi vào thực chất, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng DTTS của tỉnh nói riêng, đầu năm 2023, Nghệ An ban hành thêm nhiều chính sách như: Chương trình hành động số 50-CTr/TU ngày 13/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 363/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động số 50-CTr/TU ngày 13/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Khi các nội dung của các chính sách trên được triển khai thực hiện, tin rằng kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ phát triển và tiếp tục giữ vai trò “bà đỡ” cho người DTTS trong hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập./.
Minh Châu

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top