Tỉnh Ninh Bình nằm phía Nam đồng bằng sông Hồng có diện tích 1.412 km2, dân số trên 1 triệu người; với 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 2 thành phố và 6 huyện. Từng là vùng đất kinh đô của Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của Việt Nam, Ninh Bình không ngừng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm hội nhập và phát triển bền vững.
Vững bước đi lên, tự tin hội nhập và phát triển bền vững
Sau 30 năm từ khi tái lập tỉnh đến nay, trong mỗi giai đoạn, tỉnh Ninh Bình luôn có những điều chỉnh chiến lược quan trọng trong các chính sách phát triển nhằm phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực sẵn có để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm và không vững chắc; đến nay, Ninh Bình duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao qua các thời kỳ. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020 đạt gần 8,9%/năm. Đáng chú ý các năm 2020 và 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng Ninh Bình vẫn thuộc nhóm ít các tỉnh đạt tăng trưởng dương, với tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 7,5% và 5,71%. Năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng với hàng loạt chính sách phục hồi và phát triển; do vậy tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 8,8%; 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,56%, đứng thứ 12 toàn quốc và đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng.
Một góc thành phố Ninh Bình hôm nay. Ảnh: Đinh Duy
Quy mô nền kinh tế tỉnh Ninh Bình không ngừng được mở rộng, đến hết năm 2022, GRDP của Tỉnh đạt gần 3,5 tỷ USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp, dịch vụ; trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 10,6%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 45,2%; khu vực dịch vụ đạt 44,2%. Thu ngân sách Nhà nước đạt được kết quả ấn tượng: Từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách và điều tiết về Trung ương 9% và cũng là năm có tổng thu ngân sách Nhà nước lớn nhất từ trước đến nay, ước đạt 24.300 tỷ đồng, đứng thứ 15 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Dự toán năm 2023, Ninh Bình thực hiện điều tiết về Trung ương 11%.
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, Ninh Bình đã bước đầu hình thành được một số ngành, sản phẩm chủ lực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, phát triển kinh tế và thu ngân sách. Nổi bật như: Công nghiệp lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ ô tô với đầu tầu là Liên doanh Ô tô Hyundai và Tập đoàn Thành Công sản xuất lắp ráp ô tô với công suất đạt 195 nghìn xe/năm, đưa Ninh Bình trở thành một trong ba trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước ( Bao gồm tỉnh Quảng Nam, và thành phố Hải Phòng).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, nhân viên
Tập đoàn Thành Công và Nhà máy Ô tô Huyndai Thành Công
Cùng với đó, ngành Du lịch Ninh Bình đã nhận diện được tiềm năng, thế mạnh riêng nổi trội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch văn hóa, tâm linh và sinh thái nghỉ dưỡng; từng bước xây dựng cơ chế chính sách để phát triển du lịch nhanh và hiệu quả gắn với Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, văn hóa và con người vùng đất Cố đô Hoa Lư... Ninh Bình đã thực sự trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, thuộc 10 tỉnh có lượng khách du lịch cao nhất cả nước gắn với các địa danh và sản phẩm du lịch nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, Vườn chim Thung Nham, Nhà thờ đá Phát Diệm, tuần lễ du lịch Sắc vàng Tam Cốc… Đặc biệt, tại giải thưởng thường niên về du lịch của Booking.com, Ninh Bình là địa phương duy nhất của Châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới năm 2023; Tại giải thưởng du lịch thế giới, Vườn Quốc gia Cúc Phương 4 năm liên tiếp (từ năm 2019 đến năm 2022) được công nhận là công viên quốc gia hàng đầu Châu Á; qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố Đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và thế giới.
Non nước hữu tình ở Khu Du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Bến thuyền Tràng An, Ninh Bình.
Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng, đồng bộ và hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược kết nối vùng, liên vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư. Đến nay, toàn Tỉnh có 937 dự án đang hoạt động với tổng mức đầu tư 171,71 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 93 dự án FDI đang hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.578,82 triệu USD với các nhà đầu tư đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản có 02 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 39,6 triệu USD (Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ hai về tổng số dự án và vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh với 45 dự án và tổng vốn đầu tư là 372,7 triệu USD).
Các đại biểu ấn nút khởi công tuyến đường kết nối Đông - Tây tỉnh Ninh Bình.
Thực hiện Chương trình MTQG về Xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn được nâng cao. Ninh Bình hiện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 281 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có 7 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế: Các giá trị văn hóa truyền thống căn bản được Tỉnh bảo tồn và phát huy; công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, đến hết năm 2022 lần lượt là 2,36% và 2,81%; Lĩnh vực Giáo dục - đào tạo được quan tâm, chú trọng phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng; Ninh Bình liên tục đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đạt được kết quả khả quan: Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) xếp 25/63; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 17/63; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nằm trong top 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; chỉ số về chuyển đổi số xếp thứ 21/63. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại mở rộng...
Tỉnh Ninh Bình đón hơn 70 hoa hậu đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia biểu diễn
tại lễ khai mạc Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản
Động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh nửa cuối nhiệm kỳ 2021-2025
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới được xác định đó là “Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển”; Đối với ngành, lĩnh vực, công nghiệp được xác định là động lực, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tạo nền tảng khai thác có hiệu quả và bảo vệ giá trị văn hóa lịch sử Di sản thiên nhiên văn hóa thế giới Tràng An, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Theo đó, 3 mục tiêu tổng quát của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định như sau: Là một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng ĐBSH; là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, đẳng cấp quốc tế; là miền đất đáng sống, an toàn và thân thiện.
Về định hướng thu hút đầu tư: Quan điểm chung của tỉnh Ninh Bình là tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách; sử dụng tiết kiệm đất và ít thâm dụng lao động; có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; cụ thể các ngành, lĩnh vực như sau: (1) Lĩnh vực Công nghiệp: Với chủ trương của Tỉnh là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình ưu tiên bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái. Do vậy, ngành công nghiệp tập trung phát triển công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư vào xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ; công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ, logistics phục vụ công nghiệp sản xuất điện tử, ô tô, công nghiệp chế tạo…(2) Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại: Tỉnh Ninh Bình đã quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống các khu, điểm du lịch khép kín, đồng bộ; tập trung thu hút những dự án dịch vụ, thương mại gắn liền với du lịch và phục vụ phát triển du lịch, tạo sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. (3) Lĩnh vực nông nghiệp: Cùng với phát triển du lịch, dịch vụ sinh thái, lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, sạch, hữu cơ gắn với phát triển các sản phẩm đặc hữu riêng có (OCOP), trong đó, tập trung ưu tiên các dự án theo chuỗi khép kín, ứng dụng nông nghiệp số.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình thăm doanh nghiệp may mặc
tại Cụm công nghiệp Gia Vân, tỉnh Ninh Bình
Với những định hướng trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư nêu trên, tỉnh Ninh Bình đã đưa nhiều giải pháp, cơ chế mời gọi các tập đoàn, tổng công ty, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Ninh Bình. Trong đó, chú trọng vào những lĩnh vực: Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hạ tầng đô thị; các dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;… với danh mục 14 nhóm dự án ưu tiên kêu gọi và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chủ trì Hội nghị gặp gỡ (định kỳ tháng 4 năm 2023)
với đại diện các doanh nghiệp, HTX nhằm tiếp thu và giải đáp đề xuất, kiến nghị của các đơn vị.
Bên cạnh đó, để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ninh Bình tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành. Nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020-2025 của Tỉnh đề ra là 8,5%.
Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra./.
Đinh Thị Thúy Ngần
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình