Thái Nguyên: Đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới ngành Nông nghiệp để phát triển bứt phá

15/08/2023 - 04:06 PM
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thái Nguyên đã tích cực chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, gắn với việc thực hiện các cơ chế, chính sách để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của Tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị

xác định nông nghiệp luôn là ngành sản xuất quan trọng, cung cấp nhu cầu thị trường về lương thực, thực phẩm, tỉnh Thái Nguyên đã có định hướng cụ thể nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cùng Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên
thăm HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên (sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao quốc gia)

 
Với sự tham mưu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh đã xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp; rà soát, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để đầu tư phát triển; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt chuẩn OCOP, hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, cây chè với sản phẩm trà nổi tiếng tiếp tục phát huy là cây trồng thế mạnh, chủ lực của tỉnh với trên 22,2 nghìn ha, sản lượng đạt trên 260 nghìn tấn/năm, giá trị thực tế đạt trên 10.000 tỷ đồng/năm cây chè, không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho các hộ gia đình nông dân và các HTX.

Đồng chí Phạm Văn Sỹ - UVBCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tham gia hái chè
tại Lễ hội “Hương sắc trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương”. 

Ngoài ra, để giải quyết bài toán xây dựng chuỗi giá trị, kết nối sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ngành NN&PTNT Thái Nguyên đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện các chính sách nhằm thu hút, kích cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua các chương trình, đề án, dự án như: Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025…

Với quyết tâm cao, Thái Nguyên đã triển khai, ban hành các văn bản kịp thời và đồng bộ, cụ thể hoá các nội dung để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; tham mưu xây dựng ban hành các Nghị quyết, Quyết định và các văn bản triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, sớm phân bổ các nguồn vốn để các Sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Sở Nông nghiệp và PTNT thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP,
sản phẩm tiêu biểu của Tỉnh tại Hội nghị giải pháp nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên
 

Nỗ lực của ngành NN&PTNT đã đem lại nhiều thành tựu

Nhờ những nỗ lực trong phát triển nông nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 03 năm (2020-2022) của tỉnh Thái Nguyên đạt 4,22%/năm. Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giá so sánh) đạt 15,26 nghìn tỷ đồng, tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất nông nghiệp trồng trọt (giá hiện hành) đạt 123,2 triệu đồng/ha, tăng 23,2 triệu đồng/ha so với năm 2019. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 457,28 nghìn tấn, bằng 107,3% chỉ tiêu đến năm 2025. Sản lượng chè búp tươi đạt 260,07 nghìn tấn, bằng 95,3% chỉ tiêu đến năm 2025, tăng 8,7% so với năm 2019; giá trị sản phẩm chè (trà) sau chế biến đạt 10,4 nghìn tỷ đồng. Sản lượng rau các loại đạt 282,53 nghìn tấn, bằng 104,6% chỉ tiêu đến năm 2025, tăng 15,5% so với năm 2019. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 212,83 nghìn tấn, tăng 54,4% so với năm 2019. Trong 03 năm (2020-2022), trồng rừng tập trung đạt 13,35 nghìn ha, trong đó: Trồng rừng phòng hộ 757 ha, trồng rừng sản xuất 12,59 nghìn ha. Tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh là 1.194 ha; diện tích chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 112,5 ha. Có 1.332 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (SA-FM/COC), bằng 95,1% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,06%, vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu hàng năm từ 46% trở lên); tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,5% (chỉ tiêu đến năm 2025 là 98%).

Miến dong Việt Cường - sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia
 

Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 04 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn huyện NTM; 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới ( NTM), đạt tỷ lệ 85,7%; 17 xã NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 15,5%; 04 xã NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 3,6%; 88 xóm NTM kiểu mẫu. Chương trình OCOP được xác định là Chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Tính đến hết năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã có 173 sản phẩm OCOP (91 sản phẩm 3 sao; 80 sản phẩm 4 sao; 02 sản phẩm 5 sao là Chè tôm nõn của HTX Chè Hảo Đạt và Miến Việt Cường của HTX Miến Việt Cường). Trong đó, riêng năm 2022, toàn tỉnh có 44 sản phẩm OCOP được công nhận mới (07 sản phẩm 4 sao; 37 sản phẩm 3 sao); có 13 sản phẩm đánh giá, công nhận lại (04 sản phẩm đạt 4 sao; 09 sản phẩm đạt 3 sao).

Qua đó có thể thấy, cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển dịch tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế về sản xuất và thị trường tiêu thụ. Tập trung phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh và các sản phẩm lợi thế, đặc sản của địa phương. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn dần được cải thiện, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Những kết quả trên đã góp phần đưa nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đứng ở vị trí cao trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Mặc dù có diện tích đất nông nghiệp ít (301.933 ha, đứng thứ 11/14 tỉnh) nhưng Thái Nguyên đứng đầu về sản xuất chè; đứng thứ hai về giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt; đứng thứ hai về sản lượng thịt hơi xuất chuồng…

Có thể nói, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự nỗ lực của toàn ngành, Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã đạt những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với mục tiêu, kế hoạch hằng năm, nhiều chỉ tiêu vượt so với kế hoạch cả giai đoạn, đóng góp lớn vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của toàn Tỉnh./.

Phạm Văn Sỹ
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top