Điện Biên: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, gắn với mục tiêu Xây dựng nông thôn mới

31/08/2021 - 11:54 AM

Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, tập trung cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích cây lương thực và các loại cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án, đặc biệt đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, XDNTM… đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Theo đó, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đánh giá kết quả
thực hiện Chương trình MTQG về Xây dựng NTM và Đề án sản phẩm OCOP

Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị
Từ điều kiện thực tế và từ vai trò của ngành Nông nghiệp và PTNT trong ổn định đời sống đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, giữ tỷ lệ cân đối trong cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản của tỉnh giai đoạn 2016- 2020 ước đạt 1,69% (theo giá so sánh); Cơ cấu sản xuất nông, lâm, thuỷ sản chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường. Tỷ trọng của ngành trong GRDP toàn tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, từ 22,90% năm 2015 giảm xuống còn 18,76% năm 2020. Tổng sản lượng lương thực giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1.309.087 tấn, đạt 102,59% kế hoạch, trong đó sản lượng thóc đạt 915.062 tấn, đạt 102,86% kế hoạch; ngô đạt 394.025 tấn, đạt 101,88% kế hoạch. Giai đoạn 2016-2020, sản lượng cà phê nhân ước đạt 22.345 tấn, đạt 46,74% kế hoạch, sản lượng mủ cao su ước đạt 6.775 tấn, đạt 66,66% kế hoạch, sản lượng chè búp ước đạt 373 tấn; diện tích trồng mắc ca toàn tỉnh ước đạt 3.229 ha, đạt 311,39% kế hoạch.
 
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng (ngoài cùng bên phải) kiểm tra thực địa
dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo

Lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được duy trì, phát triển tốt; diện tích nuôi trồng thủy sản tăng nhanh từ 2.072 ha năm 2015 lên đến 2.630 ha vào năm 2020, đạt 126,74% kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản giai đoạn 2016-2020 ước đạt 15.710 tấn, đạt 120,46% kế hoạch. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Diện tích rừng toàn tỉnh đến năm 2020 ước đạt 406.170 ha, tăng 10,6% so với năm 2015; giai đoạn 2016-2020 các địa phương trong tỉnh đã tổ chức trồng rừng tập trung được 4.471 ha, đạt 30,09% kế hoạch. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 42,66%, tăng 0,66 điểm % so với kế hoạch. 

     Người dân huyện Mường Ảng thu hoạch Cà phê, loại cây trồng chủ lực của địa phương

Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp; Triển khai và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các vùng đặc biệt khó khăn; Đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng gắn với chế biến, tiêu thụ, sản xuất hàng hóa, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển nông, lâm nghiệp là xây dựng và thực hiện Đề án cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu các loại cây lương thực hiệu quả thấp trên đất dốc sang trồng cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao hơn, như: Cao su, cà phê, mắc ca... Rà soát, sắp xếp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, chú trọng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác làm cơ sở liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hàng hóa.

 
Bà con dân tộc H’Mông ở huyện Tủa Chùa thu hái chè Shan tuyết cổ thụ. Ảnh: Tư liệu

Mặt khác, đã hình thành và cấp xác nhận được 19 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; thu hút 23 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp với tổng số vốn là 6.598 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn: Dự án trồng Mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé, tổng vốn đầu tư 2.242 tỷ đồng; Dự án trồng Mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông, huyện Điện Biên, tổng vốn đầu tư 1.465 tỷ đồng; Dự án trồng cây Mắc ca tại xã Thanh An, Thanh Xương, huyện Điện Biên, tổng vốn đầu tư 127 tỷ đồng; Dự án trồng rừng sản xuất và xây dựng hồ chứa nước tại xã Si Pa Phìn và xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tổng vốn đầu tư 552 tỷ đồng; Dự án khu chế biến nông sản và trại chăn nuôi lợn siêu nạc tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên tổng vốn đầu tư 22,38 tỷ đồng; Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên, tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng; Dự án trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất tại huyện Mường Ảng, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng; Dự án sản xuất Lúa gạo Điện Biên theo chuỗi giá trị gia tăng của Công ty Trường Hương, tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng; Dự án trại chăn nuôi lợn chất lượng cao Quang Lành huyện Điện Biên, tổng mức đầu tư 20,45 tỷ đồng,...

Huyện Mường Chà vận động bà con nông dân tập trung phát triển diện tích cây dứa, 
nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững

Đồng thời, tiếp tục duy trì, khai thác vùng có lợi thế trồng cây công nghiệp dài ngày với diện tích 5.131 ha cây cao su, 3.331 ha cây cà phê và 597 ha cây chè. Diện tích đã khai thác các năm từ 2017-2019 lần lượt là 631 ha, 1.424 ha, 2.071 ha; tổng sản lượng 3.755 tấn mủ quy khô; qua đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho trên 850 lao động thường xuyên và thời vụ. Cây cà phê được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Năm 2020, sản lượng cà phê nhân ước đạt 5.890,8 tấn. Cây chè được xác định là cây thế mạnh, lợi thế của huyện Tủa Chùa, dự ước năm 2020 sản lượng búp tươi 72,9 tấn, góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống cho 3.381 hộ dân đang quản lý, chăm sóc và khai thác cây chè.
Lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng có những bước chuyển biến tích cực. Từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô nhỏ và vừa; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân 1,05%/năm. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng tăng cả về diện tích và sản lượng.


Thăm quan mô hình canh tác lúa chất lượng cao Điện Biên

Tập trung Xây dựng Nông thôn mới và phát triển các sản phẩm OCOP
Chương trình MTQG về XDNTM được tỉnh Điện Biên và các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện khá toàn diện, đi vào thực chất và chiều sâu, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2016-2020, tỉnh đã huy động, bố trí lồng ghép các nguồn vốn được 9.310 tỷ đồng để thực hiện chương trình này. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Trung ương cho Chương trình XDNTM là 1.147,8 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 41,8 tỷ đồng, vốn đầu tư từ doanh nghiệp là 1,89 tỷ đồng, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 134,5 tỷ đồng, vốn tín dụng là 148 tỷ đồng, còn lại và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.
Trong phong trào triển khai, thực hiện XDNTM đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, cách làm hay cần được biểu dương, nhân rộng. Dự ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn và 17 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới từ 15-18 tiêu chí, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, một đơn vị cấp huyện (thị xã Mường Lay) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; số tiêu chí bình quân đạt
11,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 05 tiêu chí.


Người dân xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi,đem lại hiệu quả kinh tế cao

Bên cạnh đó, đối với các xã đề nghị xét công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, các huyện đã chỉ đạo rà soát và đánh giá, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định vào quý IV năm 2021. Mục tiêu Điện Biên đặt ra là đến hết năm 2025, tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Riêng 4 huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới (Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo và Tủa Chùa) cần chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình và giải pháp cụ thể để tập trung cho XDNTM. Phấn đấu mỗi huyện có ít nhất một xã đạt chuẩn nông thôn mới để làm tiền đề phát động phong trào XDNTM giai đoạn 2021-2025. Chương trình MTQG về XDNTM ở Điện Biên đã tạo sự chuyển biển tích cực về nhận thức của người dân nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

  
Diện mạo nhiều vùng nông thôn của Điện Biên ngày càng khởi sắc

Về triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), năm 2020, tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp lựa chọn, phát triển các sản phẩm thế mạnh tham gia chương trình OCOP. Những kết quả bước đầu từ chương trình này đã có tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm địa phương. Trong đó, thực hiện chương trình OCOP, giai đoạn 2018-2020, tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định sản phẩm chủ lực, gồm: Thực phẩm, sản phẩm chế biến từ dược liệu, nhóm chế biến sản phẩm và sản phẩm từ cây ăn quả... Theo thống kê, năm 2020, tỉnh Điện Biên đã công nhận khoảng 26 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; Tính đến cuối quý II/2021, toàn tỉnh có 35 sản phẩm của 19 chủ thể được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm được xếp hạng đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận, sử dụng nhãn hiệu OCOP và chủ sở hữu sản phẩm được hưởng chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP theo quy định.

 
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020

Xác định chất lượng các sản phẩm OCOP là yếu tố quan trọng xếp hạng các sản phẩm OCOP, tỉnh Điện Biên đã tập trung phát triển số lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP. Điểm nhấn trong phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên là xây dựng các sản phẩm nông nghiệp bền vững, gắn với phát triển NTM và từng bước hình thành chuỗi sản phẩm theo tính liên kết. Tuy nhiên, trong 26 sản phẩm OCOP năm 2020, chỉ có gạo Điện Biên và chè Tủa Chùa là hai sản phẩm có vùng nguyên liệu tương đối lớn và ổn định. Song, có thời điểm, các sản phẩm gạo chất lượng cao Điện Biên rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

 
Người dân tham quan, lựa chọn các sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên. Ảnh: Phạm Trung

Mặt khác, bên cạnh vùng nguyên liệu lớn thì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP cũng phải đáp ứng được sản xuất lớn. Đây là bài toán để các chủ thể tham gia chương trình OCOP mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, việc lựa chọn, phát triển các sản phẩm OCOP vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Nhiều sản phẩm đặc trưng, có thể phát triển nâng cấp thành sản phẩm OCOP nhưng việc sản xuất còn thủ công, chưa có bao bì, nhãn mác; nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng.

 
Sản phẩm OCOP mật ong tỉnh Điện Biên

Để phát triển một nền nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh Điện Biên đang thực hiện nhiều chương trình kết nối cung cầu hợp lý, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm của tỉnh vươn xa ở các tỉnh, thành trong cả nước. Trong 2 năm 2019-2020, các sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên đã tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nhiều sự kiện, hội chợ tại một số tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh và thành phố Huế. Việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đã và đang tạo chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường.


Sản phẩm mật ong của tỉnh Điện Biên tại một chương trình giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP

Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị. Đặc biệt, gắn với các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương. Đảm bảo bao bì, nhãn mác cũng như chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và từng bước chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất từ 90-100 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao cấp tỉnh; có 5-7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; đảm bảo 100% sản phẩm được truy xuất nguồn gốc. Đây kỳ vọng sẽ là "chìa khóa” quan trọng giúp Điện Biên từng bước tạo sức bật cho nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh./.

Bùi Minh Hải
   Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên

 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top