Hướng tới Xây dựng huyện Quang Bình - Phát triển toàn diện và bền vững

23/09/2021 - 03:07 PM

Với khẩu hiệu "Mỗi người hãy hành động vì trách nhiệm xây dựng huyện Quang bình phát triển toàn diện và bền vững", nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, huyện Quang Bình đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới... 

Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh tặng hoa, chúc mừng BCH Đảng bộ huyện Quang Bình khóa IV,
nhiệm kỳ 2020-2025

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế: Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Quang Bình đã lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Theo đó, kinh tế huyện có sự tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 40%. Hằng năm thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 90 tỷ đồng. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng (tăng 13 triệu đồng so với năm 2015); Bình quân lương thực đầu người đạt 650 kg/người/năm. Quang Bình từng bước khẳng định được vị trí, vai trò là huyện động lực của tỉnh Hà Giang.

Cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng nghiệm thu kỹ thuật công trình đường Lê Quý Đôn

Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Huyện Quang Bình đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích phát triển các Hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Qua đó, nhiều mô hình tiêu biểu trong sản xuất nông, lâm nghiệp có hiệu quả được nhân rộng trên địa bàn như: Mô hình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư trong sản xuất nông lâm nghiệp; mô hình sản xuất lúa hàng hóa; mô hình sản xuất cam VietGAP; sản xuất chè hữu cơ và chè VietGAP; mô hình mạ khay máy cấy và áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp; mô hình sản xuất rau, hoa an toàn trong nhà lưới; xây dựng sơ sở sản xuất lúa giống...

        Làm đường bê tông liên thôn thôn Yên Phú - Xuân Phú, xã Yên Hà

Năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 740 tỷ đồng (tăng gần 284 tỷ đồng so với năm 2015, bình quân tăng 12,4%/năm). Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 43.554 tấn, tăng 2.882,3 tấn so với năm 2015; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 67 triệu đồng (tăng 12,9 triệu đồng so với năm 2015). Thực hiện có hiệu quả chương trình sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng tăng giá trị, hiệu quả kinh tế cho người nông dân, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 40% trong sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có 39 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm cùng các mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích trên 700 ha. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường; Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định 68%. Công tác kiểm soát tình trạng khai thác lâm sản luôn chặt chẽ, công tác phòng chống chữa cháy rừng được quan tâm, chủ động ứng phó. Những năm qua, nhân dân đã tích cực tham gia làm tốt công tác trồng rừng. Tổng diện tích rừng trồng giai đoạn 2016-2020 được 9.510 ha; Bảo vệ rừng 50.031 ha, trong đó, theo dự án là 43.711,4 ha còn lại nhân dân tự bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh 550 ha.

Nhân dân thôn Vén, xã Tân Trịnh làm đường giao thông nông thôn

Về lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng: Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt 711 tỷ đồng (tăng 282,6 tỷ đồng so với năm 2015), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10%. Huyện ban hành các chính sách thu hút đầu tư, thành lập mới các Hợp tác xã, công ty, cơ sở chế biến hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Khai thác hiệu quả các nhà máy thủy điện đã có và thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy thủy điện mới. Tiến hành rà soát, đánh giá tình hình nợ đọng trong đầu tư, xây dựng cơ bản và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Đẩy mạnh xã hội hoá để xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm huyện, các công trình trọng điểm, các tuyến giao thông chính. 15/15 xã, thị trấn có đường nhựa hoặc đường bê tông đến trung tâm, 100% thôn có đường xe máy đi lại thuận lợi; 73 nhà lớp học xây 2 tầng trở lên, 15/15 xã xây dựng nhà trường mầm non 2 tầng; 15/15 xã có nhà trụ sở xây 2 tầng, 14/15 xã, thị trấn có trạm y tế xây 2 tầng đạt chuẩn…

Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Yên Thành giúp đỡ các gia đình cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế

Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ: Huyện Quang Bình tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn, xây dựng sản phẩm mang tính đặc trưng riêng. Toàn huyện có 07 xã, 41 thôn xây dựng được sản phẩm điển hình. Triển khai Đề án OCOP và phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất, xây dựng 12 nhãn mác cho 32 sản phẩm hàng hóa của địa phương như: Bánh đa sợi khô Yên Thành (02 SP), Bún khô Yên Thành (03 SP), Bánh đa nem Thắng Nguyên, xã Yên Thành (01 SP), Mật ong hoa rừng Tân Bắc (02 SP), Mật ong thiên nhiên Ngọc Linh (03 SP), Giò thịt lợn Yên Bình (02 SP), Gạo tẻ chất lượng cao (02 SP), Nem chua Yên Bình (02 SP), Thịt lợn hun khói Yên Bình (02 SP), Chè Quang Sơn Tiên Nguyên (05 SP), Chè Shan tuyết chất lượng cao Minh Quang (05 SP), Nước uống đóng bình, đóng chai Aqua QB (05 SP). Huyện cho chủ trương thực hiện xã hội hoá để đầu tư, xây dựng và chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác chợ trung tâm huyện; đầu tư, nâng cấp, duy trì hoạt động chợ trung tâm các xã. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Giá trị thương mại, dịch vụ năm 2020 đạt 726 tỷ đồng, tăng 292,5 tỷ đồng so với năm 2015; Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 1.842 tỷ đồng tăng 872 tỷ đồng so với năm 2015.

Chè Shan tuyết là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân huyện Quang Bình

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: Huyện Quang Bình luôn quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Toàn huyện hiện có 47 trường học và cơ sở giáo dục. Ngành Giáo dục huyện đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết  số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết đưa học sinh các điểm trường về học tập trung tại trường chính. Thành lập 8 trường phổ thông dân tộc bán trú và tiến hành rà soát đưa học sinh về học tập trung tại trường chính ở những xã có điều kiện. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm và lấy kết quả đánh giá chất lượng với nhiều giải pháp hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện Quang Bình thực hiện vượt chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2015-2020. Xây dựng và công nhận đạt chuẩn mới được 10 trường, nâng chuẩn mức độ II đối với 05 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 17 trường (vượt 04 trường chuẩn mức độ I, 04 trường chuẩn mức độ II so với chỉ tiêu Nghị quyết).

Vùng chè được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP tại  thôn Nà Tho, xã Tân Bắc

Về công tác y tế: Huyện Quang Bình chỉ đạo ngành Y tế triển khai hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế; an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số - kế hoạch hoá gia đình; phòng, chống HIV/AIDS... được truyền thông rộng rãi và thực hiện có hiệu quả. Công tác khám, chữa bệnh được cải thiện ở cả 2 tuyến huyện và xã. Kết hợp có hiệu quả giữa Đông y và Tây y trong khám và điều trị cho bệnh nhân. Việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế và thực hiện chế độ khám chữa bệnh bảo hiểm được thực hiện tốt. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố và tăng cường. 15/15 xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quang Bình kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển
của cây Lạc tại thôn Yên Lập, xã Yên Thành

Bên cạnh đó, huyện Quang Bình chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động văn hóa. Huyện cho chủ trương phục dựng và tổ chức các Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc như: Đêm hội văn hoá dân tộc Pà Thẻn; Lễ hội Lồng tồng dân tộc Tày; Lễ hội đua thuyền; Hội thi cấy. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gia đình văn hóa”. Toàn huyện có trên 70% gia đình, 84,4 % thôn, tổ dân phố đạt tiêu chí văn hóa; 15/15 xã, thị trấn và 127/135 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được phát động rộng rãi, toàn huyện có 125 câu lạc bộ thể dục thể thao và 90% thôn, tổ dân phố có sân chơi, bãi tập.

Xã Yên Thành, huyện Quang Bình đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ

Về lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững: Huyện Quang Bình triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Giai đoạn 2015-2020, huyện đào tạo nghề cho 3.889 lao động, giải quyết việc làm mới cho 14.729 lao động (trong đó đưa lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ngoài tỉnh 9.887 người, chiếm 67,13%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,2% (tăng 10,2% so với năm 2015); trong đó lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 45% (tăng 14,5% so với 2015). Công tác giảm nghèo được huyện quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Kết quả, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện giảm được 2.737 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,65% năm 2015 xuống còn 12,19% năm 2020 (giảm 21,46% so với cuối năm 2015).

​Mô hình nuôi lợn rừng theo quy mô tập trung của người dân thôn Thượng, xã Bằng Lang 
đem lại hiệu quả kinh tế cao

Về thực hiện Chương trình MTQG XDNTM: Ban Thường vụ Huyện ủy Quang Bình chỉ đạo rà soát các tiêu chí, các đầu điểm công trình để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện theo từng năm và cả giai đoạn. Cùng với việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Quang Bình đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức các phong trào chung sức XDNTM. Huy động được cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp sức người, sức của thực hiện thắng lợi mục tiêu XDNTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2016–2020. Cụ thể, nhân dân đã đóng góp được trên 98.000 ngày công lao động; hiến đất trên 110.000 m2; phát động ngày thứ 7 hướng về nông thôn mới. Huy động xã hội hóa được trên 13 tỷ đồng; mở mới, cải tạo trên 97 km đường giao thông; làm trên 300 km đường bê tông nông thôn các loại. Cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn quyên góp được trên 1,1 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 06 công trình; xây dựng 571 đầu điểm công trình, trong đó 410 đầu điểm thực hiện theo nguồn hỗ trợ xi măng của Đề án 114.

Mô hình nuôi dê Bách Thảo được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Hoàng Văn Siểu, 
xã Tân Nam cần được nhân rộng

Năm 2020, huyện Quang Bình có 8/14 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 57,14% (tăng 07 xã so với năm 2015, vượt 05 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội); Bình quân đạt 15,5 tiêu chí NTM/xã và không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí NTM. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo và đang triển khai, thực hiện 7 thôn nông thôn mới (thực hiện mới so với Nghị quyết). Chương trình XDNTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng cơ bản. Tạo lập được bầu không khí dân chủ, bình đẳng; môi trường, cảnh quan, không gian sáng, xanh, sạch, đẹp. Hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên.

Anh Nguyễn Xuân Nhất (phải), Trưởng thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng  phát triển gia trại chăn nuôi
gà lai 
mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trong thời gian tới, huyện Quang Bình sẽ xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư gắn với huy động nội lực trong nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, vững chắc; Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và lĩnh vực đột phá để phát triển sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị; Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là huyện động lực của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 huyện về đích nông thôn mới; năm 2045, Quang Bình trở thành huyện phát triển toàn diện.

Nguyễn Trung Ngọc
Chủ tịch UBND huyện Quang Bình
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top