Huyện Bắc Quang: Hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững

01/10/2021 - 11:28 AM

Trong 5 năm qua (2015-2020), kinh tế huyện Bắc Quang (Hà Giang) tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, diện mạo đô thị, nông thôn và ngày càng đổi mới; thực hiện tốt các chính sách xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; quốc phòng - an ninh được tăng cường và giữ vững.

Vườn cam của gia đình anh Trần Văn Lợi (phải) thôn Nậm Tuộc, xã Đồng Tâm
chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch mới

 

Về phát triển kinh tế: Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được huyện Bắc Quang quan tâm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư; tiềm năng thế mạnh của huyện từng bước được phát huy. Huyện ban hành các Nghị quyết chuyên đề gắn với tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình hỗ trợ của Trung ương, tỉnh trong sản xuất nông nghiệp, qua đó thực hiện tốt lĩnh vực đột phá và chương trình trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch và phát triển vùng sản xuất cam, chè theo quy trình VietGAP, tăng cường liên kết, quy hoạch phân vùng sản phẩm, năng suất và giá trị sản phẩm được tăng lên; chăn nuôi đại gia súc tập trung; trồng rừng kinh tế. Phát triển sản phẩm chè trên 5.000 ha; Vùng sản xuất lạc hàng hoá 2.000 ha, sản lượng đạt 6.300 tấn/năm. Có 114 hộ chăn nuôi trâu bò tập trung, trong đó 103 hộ chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 5-10 con; 8 hộ chăn nuôi với quy mô từ 10-20 con; quy mô chăn nuôi trên 20 con có 3 hộ; trồng rừng kinh tế được trên 3.500 ha. Tổ chức lại sản xuất thông qua thành lập Hợp tác xã, tổ hợp tác.

Ông Hoàng Hồng Thanh, thôn Hùng Tiến, xã Hùng An chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả
sang trồng cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao

 
Bên cạnh đó, huyện Bắc Quang tập trung chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất; năng suất, chất lượng, sản lượng các loại cây trồng chính ngày càng tăng, an ninh lương thực được đảm bảo. Dồn điền, đổi thửa được 150 ha, hình thành cánh đồng mẫu lớn được 3.692 ha/570 cánh đồng, khuyến khích liên kết sản xuất theo hướng 5 cùng gắn với đầu tư thâm canh qua cơ chế vay vốn đầu tư có thu hồi. Phát triển một số vùng sản xuất chuyên canh trên 9.000 ha đối với cây cam, chè, rau theo hướng hữu cơ và VietGAP; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 70,3 triệu đồng/ha. Triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với thực hiện chương trình trọng tâm phát triển các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tiêu biểu: Cam, chè, lạc, trâu, lợn. Chuyển đổi trên 4.500 ha vườn đồi tạp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.

Anh Lã Văn Bắc, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo – điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Quốc gia
từ mô hình trồng cây ăn quả có múi

 

Mặt khác, địa phương phát triển đàn gia súc, gia cầm từ quy mô hộ gia đình phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá theo hình thức gia trại, trang trại; chương trình thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò mang lại hiệu quả cao. Toàn huyện Bắc Quang có trên 400 hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 5-30 con; trên 200 hộ chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 30 - 50 con/lứa. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm thực hiện hiệu quả; nuôi trồng thủy sản bước đầu được chú trọng phát triển trên 860 ha. Giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi chiếm 33% cơ cấu ngành nông nghiệp. Trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, chú trọng, sử dụng các giống tốt chất lượng, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh. Cấp giấy chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC 2.006,9 ha. Diện tích rừng trồng từ năm 2016 đến nay là 10.846 ha; chăm sóc 6.994,7 ha; khoanh nuôi 1.496 ha; bảo vệ rừng phòng hộ và trồng rừng sản xuất 44.598,2 ha đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ che phủ rừng 65,1%; Công tác quản lý lâm sản được tăng cường.

Mô hình chăn nuôi Đà Điểu của hộ gia đình anh Lù Văn Phúc, thôn Thác, xã Bằng Hành
mang lại nguồn thu ổn định

 

Song song đó, lĩnh vực công nghiệp, TTCN cũng được huyện Bắc Quang đẩy mạnh phát triển. Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp tiếp tục được tăng cường, thu hút 6 doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Nam Quang và 8 cơ sở chế biến lâm sản tại điểm công nghiệp Tổ dân phố số 7, thị trấn Việt Quang. Các nhà máy, cơ sở chế biến nông lâm sản, các làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển. Thu hút đầu tư đưa vào hoạt động các nhà máy thủy điện Sông Lô 4, Sông Lô 6 với công suất trên 84 MW, khảo sát xây dựng 5 nhà máy thủy điện với tổng công suất 65,9 MW. Điều chỉnh quy hoạch chung và tăng cường quản lý đô thị, ban hành các đề án, quy chế quản lý đô thị và trung tâm.

Nhân dân trên địa bàn huyện sử dụng nguồn vốn vay để phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập cho gia đình
 

Lĩnh vực dịch vụ thương mại phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa và dịch vụ của nhân dân. Các loại hình dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, thương mại điện tử phát triển mạnh, tăng 2,2 lần so với nhiệm kỳ trước. Năm 2015, toàn huyện  có 32 cơ sở, gồm: 15 nhà hàng, 12 khách sạn, nhà nghỉ và 5 siêu thị mini; Năm 2020, toàn huyện có 71 cơ sở gồm: 23 nhà hàng, 29 khách sạn, nhà nghỉ và 19 siêu thị mini. Duy trì hoạt động các chợ nông thôn, quy hoạch, mở rộng 11 chợ; xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trung tâm huyện; hàng năm tổ chức các hội chợ thương mại, hội chợ quảng bá tiêu thụ cam sành. Tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công tác quản lý thị trường được thực hiện tốt. Hoạt động dịch vụ vận tải, cho thuê xe tự lái phát triển đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.


Mô hình nuôi trâu sinh sản và vỗ béo của gia đình anh Nguyễn Văn Khánh, thôn Mâng, xã  Kim Ngọc
mang lại hiệu quả kinh tế cao

 

Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt gần 160,5 tỷ đồng, đạt 128,4% so với Nghị quyết, trong đó thuế và phí ước đạt 156 tỷ đồng, bằng 128,4%, tăng 1,5 lần so với tổng thu 5 năm 2010-2015. Cơ cấu thu nội địa chiếm khoảng 90-94% tổng thu; trong đó thu từ lĩnh vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng 70-75%. Tỷ trọng cơ cấu các khoản thu tăng 56% so với năm đầu thực hiện Nghị quyết. Chi ngân sách đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Trong tổng chi ngân sách địa phương, tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm từ 15-18%, chi thường xuyên chiếm từ 75-78%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm ước đạt 2.512 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40,2 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2015.

Đoàn viên, thanh niên giúp gia đình ông Nguyễn Văn Khương, xã Việt Vinh cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả
 

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện Bắc Quang luôn chú trọng nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế; tổng dư nợ tín dụng đạt 2.820 tỷ đồng, nợ xấu dưới 0,5%. Phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trên 93,7 tỷ đồng; cho vay có thu hồi theo Đề án Thôn tự chủ - tự quản trên 20 tỷ đồng, qua đó giúp người dân mở rộng sản xuất. Tổ chức thực hiện tốt 20/35 nội dung được tỉnh phân cấp ủy quyền, rút gọn thủ tục hành chính góp phần giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển, hàng năm đóng góp cho ngân sách huyện trên 50 tỷ đồng.

Cán bộ, nhân dân xã Hùng An ra quân cải tạo vườn tạp tại thôn Hùng Thắng
 

Chương trình MTQG XDNTM trên địa bàn huyện Bắc Quang đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhận thức của người dân trong XDNTM được nâng lên, từ đó tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của quy đổi thành tiền được trên 112 tỷ đồng. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên; văn hóa xã hội, môi trường nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng, hệ thống chính trị được củng cố; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Đến hết năm 2020, có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 180% Nghị quyết; các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên; xây dựng xã Quang Minh, Vĩnh Phúc trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế, xã Đồng Yên trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ban hành Đề án Thôn Tự chủ - Tự quản là một trong cách làm sáng tạo, đã khơi dậy, phát huy tính tự chủ của nhân dân, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới ở thôn với nguồn lực phù hợp của địa phương, đã có 137 thôn, tổ dân phố được công nhận thôn, tổ dân phố Tự chủ - Tự quản, đạt 108% Nghị quyết.

Đồng chí Phùng Viết Vinh, Chủ tịch UBND huyện cùng Đoàn công tác của huyện kiểm tra thực tế
việc triển khai làm đường bê tông nông thôn tại xã Liên Hiệp

 

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: Có bước phát triển khá, công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu người học. Huyện Bắc Quang thực hiện nhiều đề án, kế hoạch về công tác giáo dục, chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên, tỷ lệ học sinh chuyển cấp hàng năm đều đạt trên 99%. Quy mô mạng lưới trường lớp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Sáp nhập từ 83 trường xuống còn 71 trường, dồn ghép học sinh ở điểm trường về trường chính. Xây dựng, công nhận 11 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 110% Nghị quyết. Xây dựng trường chất lượng cao - Trường THCS Lương Thế Vinh. Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục xóa mù chữ, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Công tác xây dựng xã hội học tập, khuyến học khuyến tài có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều cơ quan, thôn, tổ dân phố có chi hội khuyến học, dòng họ hiếu học. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, huy động trên 40 tỷ đồng cho phát triển giáo dục.

Người dân xã Vô Điếm tích cực tham gia làm đường bê tông nông thôn
 

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ tích cực. Cơ sở vật chất Bệnh viện đa khoa khu vực huyện, phòng khám đa khoa và các trạm y tế xã từng bước được nâng cấp, nhiều kỹ thuật cao đưa vào áp dụng. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, kế hoạch hoá gia đình được coi trọng, đạt nhiều kết quả. Các Chương trình mục tiêu y tế, y tế dự phòng có nhiều tiến bộ; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, 3 chỉ tiêu y tế đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết. Duy trì chất lượng 100% số xã thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% trạm y tế tuyến xã có bác sĩ và nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; chất lượng dân số từng bước được nâng lên, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1%. Thực hiện tốt quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân và an toàn thực phẩm. Hàng năm, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 97%. Kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền được chú trọng.

Cầu tràn suối Than, thôn Minh Thượng, xã Tân Lập là 1 trong 2 công trình Chào mừng cuộc bầu cử
Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 của huyện Bắc Quang

 

Các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực, chất lượng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa ngày càng được nâng lên; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88%; thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 91%. Thiết chế văn hóa cơ sở từng bước được hoàn thiện, phong trào văn hóa, thể thao phát triển rộng khắp. Công tác tôn tạo, phục dựng, bảo tồn, công nhận các di tích lịch sử, danh thắng, quy hoạch và xây dựng làng văn hóa du lịch luôn được quan tâm. Các lễ hội dân gian truyền thống, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tốt đẹp được duy trì thường xuyên. Đẩy mạnh quảng bá, thu hút tham gia xã hội hóa vào hoạt động du lịch, hạ tầng du lịch.

Xã Vô Điếm khởi xây dựng cầu tràn qua suối Nà Ngạc, thôn Xuân Trường
 

Cùng với đó, huyện Bắc Quang huy động cả hệ thống chính trị, xã hội tham gia công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Huyện thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách của Nhà nước. Quan tâm tổ chức các hoạt động từ thiện bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ địa bàn khó khăn. Tổng chi cho an sinh xã hội giai đoạn 2015-2020 là 410 tỷ đồng, tăng gấp 1,2 lần so với giai đoạn trước. Làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết 2020 đạt 59%, tăng 7% so năm 2015; xuất khẩu được 125 lao động, cơ cấu lao động nông nghiệp giảm từ 50% năm 2015 xuống 39% năm 2020. Công tác giảm nghèo thực hiện lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,9% năm 2015 xuống còn 4,42% năm 2020.

Huyện Bắc Quang khởi công xây dựng nhà tình thương cho Cựu chiến binh có khó khăn về nhà ở
Trong ảnh:
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện trao hỗ trợ cho gia đình ông Thào Mí Tủa

 

Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, với lợi thế là huyện vùng thấp, cửa ngõ phía Nam của tỉnh Hà Giang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Quang đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tăng cường vững chắc quốc phòng, an ninh; đảm bảo ổn định chính trị - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quyết tâm xây dựng Bắc Quang trở thành huyện đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, Bắc Quang trở thành huyện nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị; đến năm 2030 là huyện đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao; đến năm 2045 là đô thị cửa ngõ phía Nam của tỉnh Hà Giang./.

 

Phùng Viết Vinh
Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top