Huyện Điện Biên: Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh để hội nhập và phát triển

07/09/2021 - 09:23 AM

Những năm qua, huyện Điện Biên được xác định là địa bàn trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Huyện hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trên cả 3 lĩnh vực: Công nghiệp - Nông nghiệp - Thương mại dịch vụ, du lịch. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc…


      Huyện Điện Biên  tăng cường đưa cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Về phát triển kinh tế: Lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của huyện do đất đai ở huyện Điện Biên có độ phì nhiêu khá cao, phù hợp cho sự phát triển của các loại cây lương thực, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Toàn huyện hiện có trên 14 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, diện tích lúa nước trên 6 nghìn ha, riêng vùng lòng chảo có gần 4 nghìn ha. Trình độ thâm canh cao, nông dân huyện Điện Biên chăm chỉ, chủ động đưa giống mới, cây trồng năng suất cao vào sản xuất... Cùng với đó, hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được huyện đầu tư, xây dựng kiên cố, nhất là đối với khu vực lòng chảo Điện Biên. Ngoài ra, với diện tích tự nhiên rộng lớn, có nhiều bãi chăn thả là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển chăn nuôi đại gia súc và phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại.


Mô hình trồng rau an toàn bằng phân bón sinh học hữu cơ được thực nghiệm tại gia đình anh Ngô Văn Bính
(Đội 15, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên)

Về lĩnh vực công nghiệp, TTCN: Điện Biên là huyện có nhiều tiềm năng về khoáng sản như than đá ở  xã Thanh An, cao lanh ở xã Noong Luống, đặc biệt là đá vôi và các mỏ đá nằm rải rác trên địa bàn huyện. Đây được xem là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch không nung, khai thác chế biến khoáng sản… Bên cạnh đó, diện tích đất rừng của huyện lớn, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất với độ che phủ cao, sản lượng khai thác lâm sản lớn, tạo lên ưu thế cho huyện trong phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.


Mô hình VAC huyện Điện Biên

Về lĩnh vực thương mại dịch vụ và du lịch: Điện Biên là huyện giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Với nhiều điểm thăm quan nằm trong quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, đặc biệt là khu di tích mang đậm dấu ấn lịch sử Mường Phăng (tuy nhiên đầu năm 2020, một số địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh thuộc địa danh xã Mường Phăng, Pá Khoang sáp nhập về thành phố Điện Biên Phủ). Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có nhiều danh lam, thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp như: Khu du lịch sinh thái Hồ Pe Luông, suối khoáng U Va, động Pa Thơm và các điểm du lịch hấp dẫn như: Di tích thành Bản Phủ, đền thờ Hoàng Công Chất…


Ông Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên giới thiệu sản phẩm
gạo Tâm Sáng cho khách hàng

Cùng với đó, các bản văn hóa du lịch cộng đồng mang đầy đủ những bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Ngoài ra, huyện Điện Biên có vị trí địa lý khá thuận lợi, với QL279 chạy qua lại nằm bao quanh thành phố Điện Biên Phủ. Đồng thời, là huyện biên giới Việt - Lào với 2 cửa khẩu là: Cửa khẩu quốc tế Tây Trang và Cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc. Tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Điện Biên trong quan hệ đối ngoại và hoạt động kinh tế biên mậu, cửa khẩu, cũng như phát triển thương mại dịch vụ và giao thương, trao đổi hàng hóa giữa nhân dân 2 nước.



Lễ hội thành Bản Phủ, huyện Điện Biên

Những năm qua, để biến tiềm năng, lợi thế của địa phương thành động lực phát triển, Huyện Điện Biên ngoài việc phát huy nội lực, còn tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ thông qua các chương trình, dự án. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của tỉnh để tăng cường kêu gọi thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực được xem là thế mạnh của địa phương như: Phát triển du lịch; chế biến nông, lâm sản; các dự án trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng và sản xuất vật liệu xây dựng...


        Lễ hội ẩm thực mang đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Mông

Song song với đó, Huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ. Đồng thời, triển khai nhiều mô hình sản xuất thí điểm ở các xã để nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật và phương thức sản xuất mới. Huyện còn đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, triển khai các vùng trồng cây ăn quả tập trung, quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, khuyến khích người dân và doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại và triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi.


Suối nước khoáng nóng Hua Pe, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên

Nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung được hình thành như: Mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo, liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại xã Thanh Yên; Mô hình liên kết tiêu thụ mật ong tại xã Sam Mứn; Trồng cây vú sữa, ổi và thanh long ruột đỏ ở xã Thanh Hưng, Thanh Xương; Sản xuất rau an toàn ở Thanh Yên, Noong Luống, Pom Lót và Thanh Xương. Đồng thời, đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo của Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương, Doanh nghiệp Tư nhân Xuân Hà, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên. Toàn huyện có 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao là mật ong Hoa Ban, mật ong Bánh Tổ; 03 sản phẩm đạt 3 sao là gạo Tám thơm Thiên Bản, gạo Sén cù Tâm Sáng, gạo Tám thơm Tâm Sáng; 4 sản phẩm đạt 2 sao là gạo lứt Sén cù Tâm Sáng, Miến dong mộc Lộc Biên, Vú sữa Thanh Hòa, Cá sấy Hải Hà…



Du khách tham quan động Pa Thơm, thuộc địa phận xã Pa Thơm, huyện Điện Biên

Bên cạnh đó, huyện Điện Biên tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án trồng rừng sản xuất, trồng cây mắc ca nhằm mở rộng vùng nguyên liệu, qua đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn. Đặc biệt, để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án về du lịch như: Hỗ trợ trong khâu giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính, pháp lý... Huyện còn đầu tư xây dựng, phát triển các bản văn hóa du lịch cộng đồng để thu hút du khách. Qua đó, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.


Khu du lịch U Va thuộc xã Noong Luống, huyện Điện Biên

Mặt khác, huyện Điện Biên cũng đặc biệt quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt dân tộc Thái trên địa bàn. Theo đó, kết hợp với việc phát triển các sản vật của địa phương để giới thiệu, quảng bá tới du khách. Trong công tác đào tạo nghề, Huyện cũng định hướng đào tạo các ngành nghề du lịch cho lao động địa phương, để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Tiếp đó, huyện khuyến khích người dân đầu tư kinh doanh các loại hình du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Tuyên truyền để người dân địa phương đổi mới tư duy về cách làm du lịch, cũng như ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, thiên nhiên.


Lãnh đạo tỉnh Điện Biên và thành viên Đoàn giám sát kiểm tra đường giao thông nông thôn
bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên

Về Chương trình MTQG XDNTM, huyện Điện Biên xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Theo đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã trên địa bàn đã tập trung triển khai, lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy trình. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trên tinh thần minh bạch, dân chủ, khách quan và ưu tiên “Tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau”. Kết quả thực hiện: Theo báo cáo của UBND huyện Điện Biên, hết năm 2020, có 12 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 2 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí NTM. Số tiêu chí bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã. Đến nay, huyện có 19 thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu. Thực hiện xây dựng huyện NTM, huyện Điện Biên đã đạt 6/9 tiêu chí của Bộ tiêu chí huyện NTM. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự xã hội ổn định. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,03% năm 2015 xuống còn 12,86% năm 2019; năm 2020, giảm còn khoảng 10,82%, bình quân giảm 4,04%/năm.


Công trình đường giao thông nông thôn bản Na Cọ, xã Mường Lói, huyện Ðiện Biên 
được xây dựng từ nguồn xã hội hóa

Bên cạnh đó, huyện Điện Biên có 4/12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 4 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 2 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và không có xã dưới 5 tiêu chí. Số tiêu chí đạt bình quân 14,25 tiêu chí/xã. Tổng nguồn vốn huy động XDNTM trong giai đoạn 2016-2020 hơn 1.291 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động từ người dân và cộng đồng hơn 92,6 tỷ đồng. Dự kiến đến 31/12/2021 trên địa bàn huyện có 16/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% KH (14 xã đạt chuẩn NTM, 02 xã cơ bản đạt chuẩn); số tiêu chí bình quân đạt 17,1 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí NTM.


Đồng chí Bùi Hải Bình – Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra
công nhận đạt chuẩn PCGD-XMC của Bộ GD&ĐT

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM, huyện Điện Biên vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Hạ tầng kinh tế - xã hội mặc dù đã có sự chuyển biến rõ rệt xong chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương; Tỷ lệ cứng hóa hệ thống giao thông trục thôn, bản, đường ngõ xóm còn đạt thấp; Hệ thống kênh mương cấp 3 phục vụ tưới tiêu chưa được kiên cố chiếm tỷ lệ cao; Toàn huyện còn tới 20 thôn, bản chưa có điện; Không đạt mục tiêu về xóa nhà ở tạm, nhà dột nát. Với tiêu chí về văn hóa - xã hội, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao; danh hiệu gia đình, thôn, bản đạt chuẩn văn hóa chưa bền vững. Việc nhân rộng các mô hình, dự án phát triển sản xuất còn hạn chế; các chuỗi liên kết sản xuất chưa bền vững…


Thư viện Trường Tiểu học xã Thanh An được đầu tư xây dựng khang trang, với đầy đủ các loại sách, truyện
đáp ứng nhu cầu học tập  và sinh hoạt của các em học sinh

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song để đạt được những kết quả trên, huyện Điện Biên đã và đang đi đúng hướng trong việc tận dụng, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng của huyện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Do đó, huyện Điện Biên rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư nguồn lực từ Trung ương, tỉnh để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từ đó, tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương./.

Bùi Hải Bình
Chủ tịch UBND huyện Điện Biên


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top