Huyện Giao Thủy phấn đấu đến năm 2025 đạt nông thôn mới kiểu mẫu

24/07/2023 - 08:51 AM
Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Giao Thủy (Nam Định) bám sát và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của các cấp, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết, Chỉ thị và Kế hoạch về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, từ đó chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai thực hiện.

Huyện đã tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất huyện Giao Thủy thời kỳ 2021-2025, cùng nhiều quy hoạch gắn với các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển, phát triển để Huyện trở thành một cực tăng trưởng mới của tỉnh. Đồng thời phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối vùng miền, tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông từ huyện tới xóm, hạ tầng thủy lợi, lưới điện, cơ sở vật chất trường học, văn hóa, thông tin, hạ tầng thương mại nông thôn, y tế và nước sạch, vệ sinh môi trường.  

Huyện luôn nhất quán phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, người dân làm chủ thể, lấy thôn xóm làm địa bàn chỉ đạo thực hiện nông thôn mới”. Trong quá trình thực hiện từng tiêu chí, cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, của từng người dân, doanh nghiệp. Giai đoạn 2021-2022, Huyện đã huy động nguồn lực hơn 990 tỷ đồng, trong đó trực tiếp đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền trên 600 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn hiến hơn 320 nghìn m2 đất, góp trên 130 nghìn công lao động và ủng hộ trên 100 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, Huyện và các xã, thị trấn tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về trường học, giao thông, thủy lợi, trạm y tế và đầu tư phát triển sản xuất, nước sạch vệ sinh môi trường.

 
Huyện Giao Thủy phấn đấu đến năm 2025 đạt nông thôn mới kiểu mẫu
Toàn cảnh nông thôn mới xã Giao Phong - huyện Giao Thủy
 
Đặc biệt, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được quan tâm triển khai, năm 2022, Huyện có thêm 28 sản phẩm được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện Giao Thủy đã có 86 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp mã QR. Đây là hướng đi mới giúp người nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao trên thị trường, từ đó nâng cao thu nhập, giá trị trên mỗi đơn vị sản xuất. Cùng với đó, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ kết hợp tổ chức lại sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản theo hướng hiệu quả được đẩy mạnh giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Từ khi đại dịch COVID-19 được khống chế, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở được phục hồi và phát triển mạnh. Môi trường sống ở huyện Giao Thủy ngày càng được cải thiện theo hướng “xanh - sạch”. Các địa phương trong Huyện đã tập trung hướng dẫn, vận động người dân thực hiện 3 mô hình: “Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình”, “Hố rác di động”, “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”; phát động và tổ chức thực hiện tốt phong trào trồng cây bóng mát và trồng hoa lề đường trục xã, liên xã, trục xóm, liên xóm. 

 
Huyện Giao Thủy phấn đấu đến năm 2025 đạt nông thôn mới kiểu mẫu 1
Hệ thống giao thông nông thôn tại xã Giao Hải - huyện Giao Thủy đã đạt tỷ lệ kiên cố hoá 100%.

Đến nay, toàn Huyện đã có 17/22 xã, thị trấn được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao; 3 xã được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu là Giao Phong, Giao Thịnh, Giao Tân, trong đó xã Giao Phong được Bộ NN&PTNT lựa chọn thí điểm là một trong 3 xã của cả nước xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Giao Thủy cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Trên địa bàn Huyện có 18 chợ nông thôn, một siêu thị quy mô lớn, 3 công trình nước sạch tập trung; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt trên 92%, các trường học đạt chuẩn theo quy định từ trên 91-98%. Quốc phòng-an ninh được giữ vững; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu từ huyện tới xóm, TDP được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Diện mạo nông thôn đổi thay theo hướng hiện đại, môi trường ngày càng “Sáng-Xanh-Đẹp và an toàn”, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022 giảm xuống còn 1,29%.

 
Huyện Giao Thủy phấn đấu đến năm 2025 đạt nông thôn mới kiểu mẫu 2
Các hộ dân xã Hồng Thuận - huyện Giao Thủy chủ động kiên cố hóa kênh mương phục vụ sản xuất
 
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện của Huyện từ nay đến năm 2025, vừa qua huyện Giao Thủy đã phát động phong trào thi đua xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2023-2025 với chủ đề “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh”. Huyện kỳ vọng, thông qua phong trào thi đua, sẽ tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi người dân trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đồng thời huy động được sức mạnh tập thể để hoàn thành thắng lợi mục tiêu trở thành huyện NTM nâng cao năm 2023, đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025, thực sự là cực tăng trưởng mới của tỉnh và sớm đạt các tiêu chí đô thị loại III./.
Minh Châu

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top