Huyện Thuận Châu: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo

17/08/2021 - 08:53 AM

Trong 5 năm qua, huyện Thuận Châu (Sơn La) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức (do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, các chính sách cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công của Chính phủ...), đồng thời với những khó khăn trên là kinh tế của huyện còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, song với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, giai đoạn 2016-2020, huyện Thuận Châu đã có những bước phát triển quan trọng. Kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng khá; quy mô kinh tế được mở rộng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp; huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng qua các năm, nhất là trong triển khai xây dựng nông thôn mới; kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư, từng bước hoàn thiện; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được cải thiện…

Thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu hôm nay

Về phát triển kinh tế: Giai đoạn 2016-2020, huyện Thuận Châu thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 4.114 ha cây ăn quả, tăng 3.341 ha so với năm 2015, sản lượng thu hoạch ước đạt 8.000 tấn quả/năm; có 5.423 ha cây cà phê, trong đó diện tích kinh doanh là 4.160 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 4.326 tấn, trồng mới giai đoạn 2016-2020 đạt 1.385 ha, bằng 138,5% chỉ tiêu kế hoạch; có 1.352 ha chè, trong đó diện tích kinh doanh đạt 937 ha, sản lượng búp chè tươi đạt 9.370 tấn, trồng mới giai đoạn 2016-2020 đạt 798 ha, đạt 159,6% chỉ tiêu kế hoạch; có 1.659 ha cây cao su, trong đó tổng diện tích cây cao su đã đưa vào khai thác đến nay đạt 1.400 ha, sản lượng ước đạt 1.400 tấn/năm.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thuận Châu

Lĩnh vực công nghiệp - TTCN, du lịch, dịch vụ có bước phát triển, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, nhà máy hiện có duy trì và mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh (2 nhà máy thủy điện nhỏ, 1 nhà máy gạch tuynel công suất 20 triệu viên/năm, 3 cơ sở khai thác đá làm vật liệu xây dựng, 2 nhà máy chế biến chè). Chủ động kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến đầu tư vào địa bàn, trong giai đoạn 2016-2020 đã thu hút đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Tông Lạnh với công suất 9.000 tấn/năm (hoàn thành đưa vào vận hành từ tháng 10/2019), 1 nhà máy chế biến chè tại xã Phổng Lái, 2 cơ sở chế biến cà phê quả tươi tại xã Tông Lạnh, Muổi Nọi, 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Nong Lay, 1 dự án điện mặt trời mái nhà tại xã Tông Cọ; phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thuỷ điện Nậm Hoá 1, 2 xã Mường Bám (trong đó thủy điện Nậm Hóa 2 đã hoàn thành đi vào hoạt động từ năm 2017); rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch 4 dự án nhà máy thủy điện (thủy điện Chiềng Ngàm Hạ, Chiềng Ngàm 5, Nậm Ty 1, Nậm Ty 1A); rà soát quỹ đất, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà máy may mặc, da giày trên địa bàn. Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư trong công tác GPMB thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2017-2020. Đến nay đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, GPMB và triển khai thi công 103 dự án cấp điện cho 105 bản (cả đầu tư mới và nâng cấp).

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng của HTX Nặm Búa

Chương trình MTQG về XDTNM đạt kết quả tích cực. Đến hết năm 2020, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Phổng Lái, Tông Lạnh); bình quân đạt 10,18 tiêu chí/xã, tăng 4,43 tiêu chí/xã so với năm 2015, không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; 100% xã, 71,1% bản có đường giao thông đến bản được cứng hóa, 98% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt; 90% dân số được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; trong 5 năm đã thực hiện cứng hóa mặt đường bê tông xi măng 163 tuyến đường với tổng chiều dài 115 km, đầu tư xây dựng 340 công trình hạ tầng trên địa bàn các xã, đã xây dựng, triển khai và phát triển 10 chuỗi liên kết sản xuất với các sản phẩm xoài, cam, bơ, thanh long ruột đỏ, nhãn, chanh leo, khoai sọ, cà phê, rau, nhãn hữu cơ tại các xã với tổng diện tích trên 900 ha; thành lập mới 42 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Mở được 40 lớp đào tạo nghề cho 1.292 lao động nông thôn bằng nguồn vốn Chương trình MTQG về XDNTM.


Huyện Thuận Châu đã đưa vào hoạt động điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP tại thị trấn Thuận Châu

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ: Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp các cấp học tăng qua các năm; công tác phổ cập giáo dục duy trì kết quả đạt được, 100% xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; huyện đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 (trong đó 2/29 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2) và đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1. Đội ngũ nhà giáo đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng với 73% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới về chương trình và phương pháp giáo dục. Tổ chức và duy trì công tác nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú tại 26 trường học với 6.908 học sinh, 31 bếp ăn, 17 nhà ăn.

PGD NHCSXH huyện Thuận Châu Tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay người sử dụng lao động
để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt được những kết quả tích cực; công tác y tế dự phòng được đẩy mạnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 24 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng 16 xã so với năm  2015 và bằng 106,7% kế hoạch đề ra; tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân đạt 4,44; 24/29 trạm y tế xã có bác sĩ đạt 82,8%; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 14,2; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97,05%, tăng 2,45% so với năm 2015.

Huyện Thuận Châu có 1.448 ha xoài; Trong đó, diện tích cho thu hoạch 961 ha và thực hiện chuỗi liên kết xoài tại 5 xã:
Chiềng Ngàm, Liệp Tè, Bó Mười, Mường Khiêng và Mường Bám. Trong chuỗi liên kết, Hợp tác HTX Thanh Sơn
cung cấp giống cây trồng và bao tiêu sản phẩm cho 305 ha

Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Giai đoạn 2016 – 2020, toàn huyện có 10.365 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề ở các cấp trình độ. Riêng Chương trình đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, từ năm 2016 đến nay huyện đã tổ chức mở 39 lớp đào tạo nghề cho 1.267 lao động, kinh phí thực hiện trên 4.980 triệu đồng. Trong đó: Nghề nông nghiệp là 1.217 lao động, nghề phi nông nghiệp là 50 lao động. Trong 5 năm có 17.365 lao động được giải quyết việc làm, trong đó Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 1.000 lao động, chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm 2020, toàn huyện có 118 lao động tham gia xuất khẩu lao động.

Lãnh đạo huyện Thuận Châu kiểm tra chất lượng quả thanh long ruột đỏ tại xã Chiềng Pha

Đặc biệt, những năm gần đây do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, ý thức tìm việc làm của lao động đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều lao động đã chủ động, quan tâm tìm hiểu việc làm qua các thông báo tuyển lao động, tài liệu tuyên truyền... Số lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp tăng nhanh so với những năm trước (năm 2017 có trên 1.600 lao động; năm 2018 có trên 3.000 lao động; năm 2019 có 4.345 lao động; tại thời điểm hiện tại, toàn huyện có 5.322 lao động tham gia; mức thu nhập bình quân trên 7,5 triệu đồng/tháng; nhiều trường hợp, lao động có tay nghề cao thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng). Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân và đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo của huyện.

Mô hình trồng cây ăn quả của người dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu

Về kết quả đạt được từ Chương trình giảm nghèo: Thông qua việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Theo đó, đời sống của người dân nói chung, của người nghèo, cận nghèo, tại các xã ĐBKK nói riêng đã được cải thiện rõ rệt, nhất là về y tế, giáo dục và nhà ở. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng tại các xã, bản ĐBKK của huyện được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, nhất là hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế và công trình thuỷ lợi ngày càng hoàn thiện, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, phát triển sản xuất, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện và các xã nghèo ĐBKK giảm nhanh, đạt và vượt mục tiêu mà Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 (giảm 02%/năm, trong đó các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm).

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La làm việc tại huyện Thuận Châu về công tác quản lý,
bảo vệ rừng và PCCCR năm 2021. Trước đó Đoàn công tác đã kiểm tra thực địa công tác PCCCR tại một số
khu vực trọng điểm của huyện tại các xã Chiềng Bôm, Co Mạ, Long Hẹ

Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả huyện Thuận Châu là 48,96%; Trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo của các xã đặc biệt khó khăn (14/29 xã) là 63,60%. Hộ nghèo về thu nhập là 15.852 hộ, tương ứng 90,19% so với tổng số hộ nghèo. Số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 1.695 hộ, tương ứng 9,81% so với tổng số hộ nghèo. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 30,13%, giảm 18,83% so với Tổng điều tra cuối năm 2015; Trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo của các xã đặc biệt khó khăn (22/29 xã) là 30,16%. Hộ nghèo về thu nhập là 11.435 hộ, tương ứng 99,59% so với tổng số hộ nghèo. Số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 47 hộ, tương ứng 0,41% so với tổng số hộ nghèo. Như vậy, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả huyện giảm 18,83%, bình quân giảm 3,77%/năm; Trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo của các xã đặc biệt khó khăn giảm 33,44%, bình quân giảm 6,69%/năm, vượt so với mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra (giảm bình quân từ 1-1,5%/năm và giảm bình quân 4%/năm đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn). Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng giảm trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung, kể cả ở các chiều và chỉ số thiếu hụt (giảm 9,4%).

Nông dân xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sơn La đem lại hiệu quả kinh tế cao

Trong thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ tập trung phát huy và khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 6, trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ; Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; tích cực xóa đói, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu xây dựng Thuận Châu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Sơn La./.

                                                                                                  Trọng Nghĩa
 

 
 
 
 
 
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top