Huyện Vị Xuyên: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới

01/10/2021 - 11:36 AM

Vị Xuyên là huyện miền núi biên giới, nằm bao quanh thành phố Hà Giang, có quốc lộ 4C và quốc lộ 2 chạy qua; Trung tâm huyện lị cách thành phố Hà Giang khoảng 20km về phía Nam. Huyện Vị Xuyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh Hà Giang. Những năm qua, với vị thế là vùng kinh tế động lực của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên đã tập trung lãnh, chỉ đạo và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực thu hút đầu tư vào địa bàn như: Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo quỹ đất; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; tạo cơ chế tài chính, chính sách; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội… Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Xe chở hàng hóa nông sản xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy


Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Xác định cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quyết định, tạo nền móng cho sự phát triển, huyện Vị Xuyên đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Theo đó, Huyện đã huy động mọi nguồn lực đầu tư nhằm sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Xác định hoàn thiện hạ tầng giao thông là động lực chính để phát triển kinh tế, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được huyện ưu tiên hàng đầu. Các dự án lớn đã và đang được triển khai tích cực nhằm liên kết các vùng, các huyện cũng như các xã trong huyện tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ như: Dự án Nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên đi xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì; Dự án Nâng cấp, mở mới đường giao thông từ thôn Lùng Giàng A, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên đi thôn Pao Mã Phìn, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ; Dự án Duy tu sửa chữa, vá láng tuyến đường từ TP Hà Giang đi trung tâm xã Kim Thạch;...

Đồng chí Hoàng Thanh Tịnh, Chủ tịch UBND huyện (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra đường bê tông
tại thôn Lùng Đoóc, xã Thanh Thủy

 

Bên cạnh đó, ưu tiên thứ hai của huyện Vị Xuyên là đầu tư nguồn lực để hoàn thành các xã Nông thôn mới. Đến nay, huyện đã có 9/22 xã được công nhận xã Nông thôn mới. Ưu tiên thứ ba của huyện là chỉnh trang đô thị, tập trung quy hoạch, xây dựng thị trấn Vị Xuyên đạt tiêu chí đô thị loại IV. Theo đó, một số dự án cần được đầu tư, nâng cấp như: Sửa chữa nền, mặt đường, hệ thống thoát nước và lát gạch vỉa hè các tuyến đường nhánh TT Vị Xuyên;  Cải tạo, nâng cấp tuyến đường, hệ thống cống rãnh, vỉa hè khu vực Tổ 14, TT Vị Xuyên đi cầu km 21; Sửa chữa, mở rộng khu Công viên, vui chơi Thiếu nhi huyện Vị Xuyên;... Ưu tiên thứ tư của huyện là tập trung nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định dân cư như: Dự án di dân ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên (thuộc Dự án bảo tồn thiên nhiên Phong Quang); Dự án di chuyển dân cư ra sống sát khu biên giới thôn Nà La, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên; Khắc phục tuyến đường giao thông đi xã Cao Bồ và từ xã đi các thôn của xã Cao Bồ; Khắc phục khẩn cấp tuyến đường từ UBND xã Cao Bồ đi thôn Chất Tiền đi quốc lộ 2; Khắc phục sạt lở tuyến đường từ UBND xã Lao Chải đi cửa khẩu mốc 238...
 

Những nét đổi mới tại thôn Tham Vè, xã Cao Bồ
 

Cùng với đó, ưu tiên thứ năm của huyện là hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các xã biên giới, gắn với phát triển du lịch lịch sử như: Sửa chữa, cải tạo mở rộng đường lên Mốc biên giới 1509 xã Thanh Đức; Nâng cấp đường đi thôn Nậm Ngặt (qua cây hương 468); Làm đường bê tông phục vụ tuần tra biên giới từ mốc 252 đến mốc 260... Ưu tiên thứ sáu của huyện là chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp trụ sở các cơ quan làm việc, trụ sở xã, trường học, trạm y tế. Theo đó, 100% trụ sở cơ quan làm việc cấp huyện, cấp xã được xây dựng kiên cố, xanh-sạch-đẹp; 24/24 trạm y tế xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 35/81 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia... Tổng vốn đầu tư  toàn xã hội năm 2020 đạt 2.236,6 tỷ đồng, tăng 34,7% so với nhiệm kỳ trước (tốc độ tăng trung bình 6,94%/năm). Kết quả giải ngân các nguồn vốn đầu tư công hằng năm đều đạt từ 95-98% kế hoạch vốn giao.
 

Lãnh đạo huyện thăm quan mô hình Dưa nhà lưới trên cát của HTX Thanh Niên thôn Nà Thài, xã Phương Tiến
 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu XDNTM
Giai đoạn 2016-2020, cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch, đề án trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Huyện đã triển khai, thực hiện tốt 03 khâu đột phá, 06 chương trình trọng tâm và các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, theo đó đã đạt được những kết quả nổi bật. Về sản xuất nông nghiệp, có sự tăng trưởng và phát triển khá, an ninh lương thực được đảm bảo. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai hiệu quả. Năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn đạt 1.610,0 tỷ đồng, tăng 383 tỷ đồng so với năm 2016; Tổng sản phẩm lương thực năm 2020 đạt 56.931 tấn, tăng 3.479,3 tấn so với nhiệm kỳ trước, tương đương mức tăng 6,5%. Sản lượng lương thực đầu người ổn định qua các năm, đến năm 2020 đạt 510 kg/người, đạt 102% so với kế hoạch. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha đất canh tác cây hàng năm đạt 65 triệu đồng, tăng 9,3 triệu đồng, tương đương mức tăng 16,7% so với giai đoạn trước, đạt chỉ tiêu Nghị quyết.

 

Anh Nguyễn Xuân Tiến, thôn Lùng Càng, xã Phong Quang trồng rau công nghệ cao
 

Bên cạnh đó, tổng diện tích cây ăn quả năm 2020 thực hiện 1.702 ha với tổng sản lượng 10.000 tấn, đạt 100% mục tiêu. Tổng diện tích chè năm 2020 thực hiện 3.695,7 ha, với sản lượng chè búp tươi đạt 15.200 tấn. Tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp tăng từ 31,3% năm 2016 lên 37% năm 2020, tăng trung bình 1,14%/năm, tăng 5,7% so với năm 2016. Toàn huyện, phát triển được 78 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn từ 500 đến 2.000 đầu lợn, tổng đàn 95.000 con, hàng năm xuất chuồng trên 80.000 con. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 69,4%, tăng 2,3% so với năm 2016, thực hiện tốt chương trình trồng rừng, đặc biệt trồng rừng chất lượng cao, diện tích rừng trồng mới cả giai đoạn đạt 6.246,6 ha, đạt chỉ tiêu kế hoạch, trồng rừng giống tốt đạt trên 60% diện tích. Hiện, toàn huyện có 20 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổng mức vốn đầu tư ước khoảng trên 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu đầu tư phát triển nông nghiệp. Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp được đẩy mạnh, hiện có 95 hợp tác xã, 132 tổ hợp tác chỉ đạo sản xuất và 117 nhóm sở thích về phát triển trồng trọt và chăn nuôi.
 


Người dân xã Cao Bồ thu hoạch chè Shan Tuyết
 

Về sản xuất công nghiệp, TTCN, TMDV: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế tăng đều qua các năm, đến năm 2020 đạt 1.652,7 tỷ đồng, tăng 793,8 tỷ đồng so với năm 2016, trung bình mỗi năm tăng 15,91%. Thu hút được 18 dự án đăng ký đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp với tổng mức đầu tư 4.763,8 tỷ đồng (Trong đó có 09 dự án đầu tư đã đi vào vận hành hoạt động, 05 dự án đang đầu tư xây dựng và 04 dự án đang chuẩn bị đầu tư). Cùng với đó, hệ thống thương mại đã có bước phát triển đáng kể về phạm vi, không gian và quy mô hoạt động, sự phong phú, đa dạng về loại hình tổ chức hoạt động. Tính đến năm 2020, toàn huyện có 21 chợ xã, thị trấn, 03 chợ gia súc, 02 chợ nông sản. Giá trị thương mại - dịch vụ năm 2020 đạt 1.380 tỷ đồng, tăng 453,7 tỷ đồng so với năm 2016, tương đương mức tăng 49%, trung bình tăng 9,8%/năm. Tổng Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 193,4 tỷ đồng, tăng 38,7% so với năm 2016, trung bình giai đoạn 2016 - 2020 tăng 7,74%/năm. Phát triển thêm 02 chi nhánh ngân hàng thương mại, lũy kế có 07 tổ chức tín dụng đang hoạt động với tổng số vốn dư nợ trên 1.300 tỷ đồng. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,5 triệu đồng, tăng 43,2% so với nhiệm kỳ trước, tương đương mức tăng 8,3 triệu đồng.
 

Mô hình trồng dứa tại xã Phong Quang
 

Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững được huyện Vị Xuyên tổ chức có hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, huy động được sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp cùng sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm còn 16,2%, bình quân mỗi năm giảm 3,54%; Giải quyết việc làm mới 14.875 lao động; Cho vay vốn giải quyết việc làm 1.089 trường hợp với số vốn là 15.843 triệu đồng; Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt 80%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60,8%. Triển khai thực hiện tốt chương trình hỗ trợ nhà ở của Trung ương và tỉnh gắn với huy động tối đa các nguồn lực của huyện, đẩy mạnh xã hội hóa, lồng ghép các nguồn vốn sửa chữa, làm mới được 868 nhà ở với tổng số vốn 41,707 tỷ đồng. Chương trình quy tụ dân cư sống rải rác trên các sườn núi cao và vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét về sống tập trung tại thôn bản thực hiện di dời được 547 hộ. Từng bước nâng cao đời sống, ổn định dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
 

Mô hình chăn nuôi lợn của nhân dân trên địa bàn theo quy mô tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao
 

Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường chuẩn cũng luôn được huyện Vị Xuyên quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các tiêu chí trường chuẩn. Đến năm 2020, toàn huyện có 35 trường đạt chuẩn Quốc gia (trong đó có 05 trường đạt chuẩn mức độ 2), tăng 9 trường so với năm 2016. Tỷ lệ huy động học sinh đến trường tăng theo từng năm, theo đó, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đạt 30%, trẻ 3-5 tuổi đạt 96,9%; trẻ 5 tuổi đạt 99,6%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; học sinh 6-14 tuổi đến trường đạt 99,8%. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh với tổng số tiền các tổ chức và cá nhân ủng hộ trên 50 tỷ đồng. Các Chương trình mục tiêu Y tế - dân số quốc gia thực hiện có hiệu quả; Năm 2020, toàn huyện có 60 bác sĩ (trong đó có 11 sau đại học), 24 xã, thị trấn có bác sĩ làm việc (trong đó có 21 trạm y tế có bác sĩ thường trú), 24/24 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế xã; Tỷ lệ trẻ được tiêm, uống đầy đủ loại vắc xin đạt trên 98%; Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 16,3%; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được kiểm soát, mức tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,26%.
 
 

Mô hình nuôi dê của gia đình anh Lý Văn Dương thôn Nà Ngoan, xã Kim Thạch
 

Chương trình MTQG XDNTM được huyện Vị Xuyên triển khai, thực hiện có hiệu quả. Hết năm 2020, toàn huyện có 09/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 7 xã so với năm 2016, tiêu chí bình quân là 14,04 tiêu chí/xã, tăng 5,44 tiêu chí so với năm 2016. Nhân dân đã hiến được 106.466 m2 đất, đóng góp được 130.424 ngày công lao động, đóng góp vật tư khác quy đổi thành tiền tương đương 6.295 triệu đồng. Thực hiện làm mới, sửa chữa, cải tạo được 349,57 km đường bê tông. Bên cạnh đó, huyện Vị Xuyên đã hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Tiếp tục từng bước thực hiện quy hoạch chung 02 thị trấn, 100% các xã đã có quy hoạch nông thôn mới được phê duyệt. Hoàn thành 02 tuyến đường giao thông liên vùng giữa huyện Vị Xuyên với các huyện giáp ranh và các dự án trọng điểm về phát triển du lịch. Hệ thống hạ tầng giao thông được hoàn thiện, tỷ lệ thôn có đường ôtô đến trung tâm đạt 98,46%. Hệ thống điện lưới quốc gia tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện, nâng tỷ lệ hộ dùng điện đạt 96,4% (với 222/261 thôn, bản, tổ dân phố có điện). Năm 2020, huyện Vị Xuyên có 11 thôn đạt chuẩn thôn NTM, năm 2021 huyện có 6 xã đăng ký thôn đạt chuẩn NTM, các thôn đã tiến hành rà soát và đang xây dựng Kế hoạch thực hiện đạt chuẩn NTM theo Quyết định số 144/QĐ-UBND, ngày 22/01/2019 của UBND tỉnh Hà Giang.
 

Mô hình trồng nấm rơm của học viên trồng nấm tại xã Việt Lâm
 

Chương trình XDNTM ở huyện Vị Xuyên đã đạt được những thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản bảo đảm, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất; Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất tinh thần cho người dân; hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những thành tựu đó đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hoàng Thanh Tịnh
Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top