Những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở huyện Mường Ảng

22/09/2021 - 08:40 AM

Mường Ảng là huyện miền núi, vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện được thành lập theo Nghị định 135/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của huyện Tuần Giáo cũ và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2007. Huyện Mường Ảng có tổng diện tích tự nhiên 44.352,2 ha; Dân số  49,43 nghìn người (tính đến 8/2020), trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 90%. Toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn, trong đó: 8 xã vùng III hưởng chính sách 135, 02 xã vùng II. Sau gần 15 năm xây dựng và phát triển, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song nhìn về tổng thể, huyện Mường Ảng giờ đây đã có những đổi thay đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong công tác xóa đói, giảm nghèo.


Cây cà phê dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập
ổn định cho nhiều hộ nông dân huyện Mường Ảng

Nhiệm kỳ 2015-2020, với tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ huyện Mường Ảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đề ra. Theo đó, đa số các mục tiêu cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực: Giá trị sản xuất khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt 494 tỷ đồng, tăng 25,5 tỷ đồng so với năm 2015; khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 385 tỷ đồng, tăng 132,4 tỷ đồng so với năm 2015; khu vực dịch vụ đạt 660 tỷ đồng, tăng 183,9 tỷ đồng so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định, tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ - công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 25,2 triệu đồng, đạt 120% Nghị quyết Đại hội. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn khoảng 27%; quốc phòng - an ninh được giữ vững.



Chất lượng cà phê Mường Ảng ngày càng được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao

Về tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Huyện Mường Ảng được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê. Chất lượng cà phê của Mường Ảng từ lâu đã được các chuyên gia đánh giá cao, có hương vị đặc trưng riêng. Đến nay, cây cà phê dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh; đồng thời, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Huyện Mường Ảng hiện có khoảng trên 3.000 ha cà phê. Theo tính toán của các chủ vườn, mỗi 1 ha cà phê khi đến vụ thu hoạch cần ít nhất 2 người thu hái. Như vậy, mỗi vụ thu hoạch, toàn huyện cần hơn 6.000 lao động địa phương. Do vậy, cây cà phê Arabica hiện có trên địa bàn huyện Mường Ảng đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định.

 
Lãnh đạo huyện Mường Ảng thăm mô hình cây ăn quả của người dân xã Ẳng Cang

Bên cạnh cây cà phê, huyện Mường Ảng hiện có khoảng 300 ha diện tích cây ăn quả, chủ yếu là bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam và chanh leo. Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả đạt khoảng 1.000 ha và trở thành vùng trọng điểm về trồng cây ăn quả của tỉnh Điện Biên. Để làm được việc đó, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho bà con; Đặc biệt là công tác chăm sóc và nâng cao nhận thức cho bà con về việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Để trong những năm tới, huyện Mường Ảng sẽ tạo thành vùng chuyên canh và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho bà con một cách hiệu quả nhất nên việc trồng cây ăn quả sẽ được tổ chức theo hướng tập trung, tạo ra những sản phẩm chủ lực có khối lượng lớn; Tăng cường liên kết sản phẩm theo vùng, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm và ổn định đời sống cho người dân.


         Lãnh đạo huyện Mường Ảng kiểm tra mô hình cây ăn quả tại xã Ẳng Cang

Đối với công tác trồng rừng tập trung: Mục tiêu của huyện Mường Ảng là phát triển rừng sản xuất trên các vùng đất trống, nương rẫy kém hiệu quả; Chuyển đổi từ sản xuất lương thực trên nương sang sản xuất vùng nguyên liệu gỗ nhằm đảm bảo môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo khu vực sản xuất bền vững. Kết quả trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã tiến hành trồng được 1.417,3 ha rừng (Trong đó: Rừng sản xuất 1.367,4 ha; rừng phòng hộ gần 50 ha). Ngoài ra, huyện Mường Ảng đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn, đơn cử như Công ty Mắc ca Điện Biên, hiện đã tiến hành chuyển đổi từ đất nương rẫy kém hiệu quả sang trồng mới được 215 ha cây Mắc ca tại xã Ngối Cáy…


Gia đình anh Phạm Xuân Vinh, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng
thu nhập 
hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả

Về Chương trình MTQG XDNTM: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, mặc dù xuất phát điểm thấp, song với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Mường Ảng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, giao thông, dân sinh… được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sản xuất và đời sống của người dân. Ðến nay, 9/9 xã thuộc huyện có đường ô tô được nhựa hóa về đến trung tâm xã đi lại thuận tiện cả 2 mùa; 85% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện cơ bản được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Bên cạnh đó, hệ thống đường trục bản, liên bản từng bước được cứng hóa đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, tỷ lệ cứng hóa đạt khoảng 80%; Hệ thống đường ngõ xóm cũng dần hoàn thiện, đến nay số km được cứng hóa đạt khoảng 65%; Hệ thống đường giao thông nội đồng từng bước được đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và vận chuyển nông sản của nhân dân.


Cán bộ Khuyến nông kiểm tra và hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Cùng với đó, lĩnh vực y tế, giáo dục cũng được đặc biệt quan tâm: Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, huyện Mường Ảng đã không ngừng quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho tuyến y tế xã theo hướng chuẩn nông thôn mới. Đến nay, có 9/10 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Mạng lưới y tế cơ sở, hoạt động của các trạm y tế xã được phát triển về mọi mặt. Theo đó, người dân từng bước được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao ngay tại cơ sở. Về sự nghiệp giáo dục và đào tạo: Tính đến năm học 2019-2020, toàn ngành Giáo dục huyện Mường Ảng có 28/39 trường đạt chuẩn quốc gia; 6/9 xã đạt tiêu chí số 5; 3/9 xã đạt tiêu chí số 14; 3/9 xã đạt cả 2 tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được củng cố và nâng lên.


Từ nguồn vốn Chương trình Nông thôn mới, đường vào bản Pọng, xã Mường Đăng hoàn thành đưa vào sử dụng
tạo thuận lợi về giao thông cho nhân dân nơi đây

Mặt khác, hiện nay có khoảng 94,5% số hộ dân trên địa bàn huyện Mường Ảng được sử dụng điện lưới; 100% số hộ gia đình thị trấn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 95% số hộ gia đình khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ngoài ra, huyện Mường Ảng còn tập trung nguồn vốn của tỉnh, huyện đầu tư xây dựng các công trình như: Xây dựng công trình Hồ Chứa nước Ẳng Cang với tổng nguồn vốn đầu tư 341 tỷ đồng; Xây dựng đường nội thị trục 42m và 27m thị trấn Mường Ảng với tổng nguồn vốn mỗi trục đường lần lượt là 105 tỷ đồng và 80 tỷ đồng; Xây dựng, nâng cấp trụ sở UBND các xã, nhà văn hóa xã; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp thị trấn Mường Ảng đạt tiêu chí Đô thị loại V.


Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới làm thay đổi diện mạo nông thôn xã Ẳng Nưa.
Trong ảnh: Đường nội đồng cánh đồng Na Tông (xã Ẳng Nưa) được bê tông hóa

Về kết quả thực hiện Chương trình MTQG XDNTM và phát triển sản phẩm OCOP: Tính đến năm 2020, số tiêu chí NTM bình quân các xã trên địa bàn đạt 11,7 tiêu chí/xã. Huyện Mường Ảng có 01 xã được UBND tỉnh Điện Biên công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016; 01 xã được UBND tỉnh Điện Biên công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM năm 2019. Các xã còn lại đạt từ 5 - 12 tiêu chí NTM, đặc biệt không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí NTM. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, giai đoạn 2019–2020, trong 5 chủ thể đăng ký tham dự với 10 sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Mường Ảng có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Cả 4 sản phẩm OCOP được công nhận đều là cà phê.


Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí Thư Tỉnh ủy Điện Biên cùng Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công
công trình Hồ chứa nước Ẳng Cang, huyện Mường Ảng

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, với quyết tâm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân khoảng 5%/năm. Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Ảng xác định cần tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các chương trình, dự án đạt kết quả cao nhất để cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân. Từ chủ trương đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo. Mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi thông qua kênh cấp vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đặc biệt, triển khai các dự án phát triển sản xuất từ Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình XDNTM: Hỗ trợ người dân mua sắm công cụ sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Theo đó, góp phần nâng cao tay nghề, kiến thức để người lao động áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao...


Lãnh đạo huyện thăm, chúc Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 công nhân thi công Hồ chứa nước Ảng Cang

Trong khoảng 5 năm triển khai thực hiện, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Ảng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 54,91% (năm 2015) giảm xuống còn 30,85% (năm 2019); bình quân giảm 6%/năm, đạt 150% mục tiêu giảm nghèo theo Quyết định số 1722/QÐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ và đạt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra. Cũng trong giai đoạn 2016 - 2019, toàn huyện đã có 2.466 hộ thoát nghèo; Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo huyện Mường Ảng giảm còn khoảng 27%. Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn huyện từng bước được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, được hưởng lợi từ những chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước...


Lãnh đạo huyện Mường Ảng gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn

Như vậy, trong những năm qua, từ kết quả Chương trình xoá đói giảm nghèo tại huyện Mường Ảng đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Cùng với đó là sự tuyên truyền, vận động hiệu quả của UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể; sự hưởng ứng, nhiệt tình tham gia của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là khơi dậy và phát huy được nội lực trong nhân dân; sự hỗ trợ giúp đỡ của cộng đồng; của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong toàn huyện đối với người nghèo, vì người nghèo để tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững.


Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên dự lễ gắn biển Công trình 
đường nội thị trục 42m và 27m thị trấn huyện Mường Ảng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo của huyện Mường Ảng cũng còn một số tồn tại hạn chế đó là: Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, số hộ tái nghèo hàng năm còn nhiều. Cùng với đó một số hộ nghèo chưa có ý thức tự giác thực hiện các giải pháp giảm nghèo; chưa phát huy tốt sự sáng tạo, ý chí tự lực của các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo./.

Nguyễn Hữu Hiệp
Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng
 

 
 
         
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top