Với sự nỗ lực, tích cực đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu của Đại hội đề ra. Một số chỉ tiêu vượt cao, các mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế khả quan, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đạt tiêu chuẩn OCOP. Bên cạnh đó, những công trình, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh triển khai rộng khắp các cơ sở Hội, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình,
thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình
Bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động của Hội được tuyên truyền triển khai sâu rộng, kịp thời. Nhờ đó, công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội có nhiều chuyển biến tích cực. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ Hội và chất lượng hoạt động của các cơ sở Hội này càng được nâng lên. Bên cạnh đó, các cấp Hội rất quan tâm đến phát hiện, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Hằng năm, có trên 92% cơ sở Hội đạt vững mạnh, không có cơ sở trung bình, yếu kém. Trong 5 năm (2018-2023), đã kết nạp được trên 16.000 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 134.095 hội viên, đạt tỷ lệ tập hợp 81%. Thành lập 218 Tổ hợp tác, 60 Hợp tác xã, 19 Chi hội nghề nghiệp, 267 tổ hội nghề nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, ngành nghề cơ khí, chế tác đá mỹ nghệ, mộc và dịch vụ thương mại. Tổ chức 02 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền với hội viên nông dân qua đó đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân. Vị thế, uy tín của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội ở nông thôn, đồng thời đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nông dân.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trao Bằng khen, biểu dương
nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Ninh Bình lần thứ V
Phong trào thi đua do Hội phát động tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, tạo sức lan tỏa và ngày càng được nâng cao về chất lượng. Cụ thể như phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn”, “Nông dân hạn chế sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng 1 lần” được các cấp Hội Nông dân và hội viên nông dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng và đạt hiệu quả thiết thực. Từ các phong trào của Hội đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến, các mô hình sáng tạo làm kinh tế có hiệu quả, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong 5 năm, đã có hơn 29.700 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, có 344 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giới thiệu với du khách quốc tế
về cảnh quan và con người Ninh Bình tại Mô hình Homstay của Hội viên nông dân
Đặc biệt, việc triển khai Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn” đã có sức lan tỏa đến các địa phương lân cận, với chuỗi 31 cửa hàng Nông sản an toàn tại 8 huyện, thành phố và 1 cửa hàng tại tỉnh Hòa Bình; 896 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trong toàn tỉnh. Từ thành công của đề án, đã có 60 tỉnh đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm; 52 tỉnh thành triển khai thí điểm mở các chuỗi cửa hàng tại địa phương. Điều này khẳng định việc thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đã phát huy hiệu quả và tạo hiệu ứng rất tích cực. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, bước đầu thu được kết quả khá tích cực. Số lượng, chất lượng các sản phẩm OCOP ngày càng được nâng lên; toàn tỉnh đã xây dựng được 101 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, mở ra cơ hội liên kết sản xuất chuỗi, nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Các đại biểu thăm quan mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Trần Văn Quang,
xóm Phụ Cấp, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn
Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh được đổi mới thiết thực, hiệu quả, kịp thời giúp nông dân tiếp cận và hội nhập trong tình hình mới. Trong 5 năm (2018-2023), đã xây dựng 317 mô hình giảm nghèo bền vững. Vận động hội viên giúp nhau gần 27.000 ngày công, hỗ trợ giống, cây con, vật tư nông nghiệp… với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Thông qua việc hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, Hội đã giúp đỡ 3.579 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2022 còn 2,36%. Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng rõ; đồng thời tăng cường sự tin tưởng, gắn bó giữa hội viên, nông dân với tổ chức Hội, thúc đẩy việc đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả các hoạt động công tác và chất lượng tổ chức Hội Nông dân các cấp.
Mô hình trồng rau an toàn tại xã NTM kiểu mẫu Khánh Thành, huyện Yên Khánh
Ghi nhận những thành tích, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; 01 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 03 Cờ đơn vị xuất sắc của Trung ương Hội và Cờ đơn vị dẫn đầu khối thi đua của UBND tỉnh, 02 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 281 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen, 42 tập thể, 69 cá nhân được Trung ương Hội tặng Bằng khen.
Đồng chí Đinh Hồng Thái – TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình thăm và hỗ trợ giống nấm cho mô hình
trồng nấm an toàn tại gia đình ông Nguyễn Đức Trọng, thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội; tập hợp, đoàn kết đông đảo hội viên, nông dân, xây dựng Hội Nông dân vững mạnh về mọi mặt, trở thành nòng cốt trong phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh, nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình hướng tới thực hiện các mục tiêu: (1) Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu quả; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. (2) Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền giáo dục cho hội viên, nông dân nắm vững và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại; (3) Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân; tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ và dạy nghề, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội về các chủ trương, chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; vận động hội viên, nông dân phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, đề ra./.
Đinh Hồng Thái
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình