Sơn La: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

26/12/2023 - 10:32 AM
Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc Việt Nam có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng miền núi, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể.
 
Chú trọng công tác tổ chức, quản lý Chương trình MTQG
 
Quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời. Chương trình được thực hiện thông qua phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, từ đó tạo sự nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình theo quy định; tạo điều kiện cho chính quyền, địa phương thực hiện kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, được Nhân dân đồng tình tham gia hưởng ứng.
 

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai trồng cây ăn quả trên đất dốc
đem lại hiệu quả kinh tế cao
Theo đó, để triển khai Chương trình, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 12/4/2022 thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; thành lập các tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh; phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đã thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện (tổng cộng 12/12 huyện, thành phố; đạt tỷ lệ 100%). Trong đó, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị và Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện các nội dung chính sách của Chương trình. Ban Chỉ đạo các cấp có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
 

Ông Giàng A Lử, Người có uy tín bản Lọng Lót, xã Mường Sai, huyện Sông Mã (bìa phải) tuyên truyền,
vận động các hộ dân trong bản xây dựng nếp sống văn minh.

 
Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 về ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong đó, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành, UBND cấp huyện chủ trì tổ chức thực hiện công tác quản lý, giám sát, báo cáo việc triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa bàn quản lý của địa phương. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2280/QĐ-UBND ngày 02/11/2022 về giao nhiệm vụ thực hiện nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; UBND các huyện, thành phố đã tiếp tục phân cấp quản lý thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình tới cấp cơ sở...
 

Lớp học xoá mù chữ được thực hiện bằng nguồn vốn của Dự án 5 dành cho cho phụ nữ có độ tuổi từ 22-45
ở bản Làng Chếu, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La (Ảnh: HA)
 

 
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Trong đó, đã giao Ban Dân tộc là cơ quan Thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu, theo dõi, tổng hợp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, tổng hợp gửi về UBND tỉnh theo quy định.
 
Những kết quả đáng ghi nhận
 
Tỉnh Sơn La đã hoàn thành phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn, đạt 100% kế hoạch nguồn vốn ngân sách trung ương giao; đồng thời huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện Chương trình. Kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương đến ngày 30/6/2023 được hơn 313,1 tỷ đồng, đạt 14,59% kế hoạch vốn giao. Trong đó: Vốn đầu tư phát triển hơn 291,4 tỷ đồng, đạt 26,97% kế hoạch; vốn sự nghiệp hơn 21,7 tỷ đồng, đạt 2,04% kế hoạch. Ước giải ngân vốn ngân sách trung ương đến ngày 31/12/2023 được gần 2.146,8 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao. Trong đó: Vốn đầu tư phát triển gần 1.080,4 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
 
Trao học bổng cho sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn
 
Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình đạt kết quả khả quan như: Thu nhập bình quân của người dân đồng bào DTTS&MN đạt 21,68 triệu/người; Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 97,55%; Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 74%; Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 74,9%; Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,88%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 99,5%;  Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,88; Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 96,70%; Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 93,5%...
 

Người dân xã Mường Bang, huyện Phù Yên nay đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
 

Công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung của Chương trình tiếp tục được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng người dân. Tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp tài liệu, thông tin, gặp mặt, tọa đàm cho 2.066 lượt người có uy tín; biểu dương, tôn vinh người có uy tín điển hình tiên tiến; tổ chức 28 hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật; phát hành 60.418 tờ gấp pháp luật... Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã, cấp bản và nhân dân về Chương trình được nâng lên.
 
Việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đạt nhiều kết quả, đáng chú ý là Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Hỗ trợ đất sản xuất: Ước thực hiện hỗ trợ đến ngày 31/12/2023 được 375 hộ, đạt 28,0% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ chuyển đổi nghề: Ước thực hiện hỗ trợ đến ngày 31/12/2023 được 4.161 hộ, đạt 27,7% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: Ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 hỗ trợ cho 4.280 hộ, đạt 27,8% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư 70 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 4.550 hộ, ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch giao.
 

Tổng Công ty Điện lực miền Bắc trao biểu trưng bàn giao hệ thống điện sinh hoạt được sửa chữa,
lắp đặt miễn phí cho hộ nghèo của xã Chiềng San, huyện Mường La, tỉnh Sơn La

 

Đối với Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tỉnh đã hỗ trợ bảo vệ 34.881 ha rừng quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình; hỗ trợ 29.062 ha trồng rừng sản xuất, khai thác kinh tế dưới tán rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Với Dự án 4 về Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc, Sơn La đã thực hiện đầu tư xây dựng 351 công trình (năm 2022 và 2023 đã khởi công xây dựng 88 công trình). Kết quả giải ngân đến ngày 30/6/2023 được 193.921 triệu đồng, đạt 30,23% kế hoạch vốn giao. Ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch vốn giao.
 

Toàn cảnh khu tái định cư bản Quỳnh Phiêng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu ngày càng thay da đổi thịt
nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước.

 
Với Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tỉnh đã tổ chức thực hiện các nội dung: Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS; Khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch đối với 06 lễ hội; Xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận đối với 34 nghệ nhân; Tổ chức 25 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; Hỗ trợ hoạt động cho 60 đội văn nghệ truyền thống tại các bản vùng đồng bào DTTS&MN; Tổ chức Ngày hội, Giao lưu, Liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS; Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các dân tộc thiểu số trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS; Đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đối với 02 dự án; Chống xuống cấp di tích đối với 05 dự án; Hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo 40 nhà văn hóa bản; Hỗ trợ trang thiết bị cho 247 nhà văn hóa bản…
 

Sơn La là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, mỗi dân tộc đều có
một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc mang sắc thái riêng. Ảnh: Văn Ngọc

 
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giảm nghèo nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La. Tỉnh đang nỗ lực đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình: Chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc ban hành các định mức hỗ trợ, tổng mức đầu tư, danh mục đầu tư để giúp các địa phương triển khai chương trình; tiếp tục nghiên cứu những kinh nghiệm hay của các địa phương khác trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 để vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế của địa phương./. 
                                                                                                        Minh Hằng

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top