Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình: Bạn đồng hành của các hộ nghèo và đối tượng chính sách

12/10/2023 - 04:24 PM
Với chức năng là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước, nhiều năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Bình đã luôn đồng hành, hỗ trợ cùng các hộ nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
 

Đồng chí Phạm Đức Cường, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình trao đổi thông tin
với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện

 
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Mặc dù, nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm bổ sung hằng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn tạo việc làm của người lao động trên địa bàn, song, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã rất chủ động tích cực và linh hoạt trong việc triển khai nhiệm vụ. Tính đến 30/6/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 3.594 tỷ đồng, tăng 977 tỷ đồng (tương đương 37,3%) so với thời điểm 31/12/2020. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 2.753 tỷ đồng, chiếm 76,77% tổng nguồn vốn; Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là 321 tỷ đồng, chiếm 8,9% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất là 520 tỷ đồng, tăng 73 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 14,4% tổng nguồn vốn. Trong đó, nhận tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn là 180 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 136,2% kế hoạch; Tiền gửi của tổ chức, cá nhân là 340 tỷ đồng, tăng 46 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 113,92% kế hoạch.
 
Về cho vay các chương trình tín dụng, tính đến 30/6/2023, doanh số cho vay đạt 583 tỷ đồng với 12.204 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 305 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 3.590 tỷ đồng, tăng 278 tỷ đồng (tăng 8,39%) so với đầu năm, đạt 89,85% kế hoạch, cao hơn so với bình quân chung toàn quốc.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đến 30/6/2023 là 283 tỷ đồng, đạt 94,4% kế hoạch. Trong đó: Cho vay giải quyết việc làm đạt 160 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; Cho vay nhà ở xã hội đạt 104 tỷ đồng, hoàn thành 87,6% kế hoạch; Cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính đạt 15 tỷ đồng, hoàn thành 97,6% kế hoạch; cơ sở giáo dục mầm non đạt 3 tỷ đồng, hoàn thành 74,8% kế hoạch; Cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 1 tỷ đồng, hoàn thành 62,5% kế hoạch.
Đặc biệt, trong điều kiện tác động tiêu cực của dịch Covid-19, với tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” Chi nhánh đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi (theo Nghị quyết số 11/NQ-CP) trong thời gian ngắn nhất, nhanh nhất. Theo đó có 5/5 chương trình tín dụng đã thực hiện cho 5 người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 508 lượt lao động, với số tiền 1,9 tỷ đồng. Giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất tính đến 30/6/2023 đạt 1.500 tỷ đồng, cho trên 40.000 khách hàng vay vốn; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền là 22,6 tỷ đồng. Tính chung từ năm 2021 đến nay, Chi nhánh đã giải ngân tổng số tiền 2.737 tỷ đồng đến 70.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

 

Hộ chăn nuôi bò tại thôn Đông Thượng, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình phát triển kinh tế hộ từ nguồn vốn tín dụng CSXH
 
Nhờ nguồn vốn tín dụng CSXH hỗ trợ, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế có điều kiện vươn lên trong cuộc sống thông qua việc đầu tư phát tiển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm... Những hoạt động đó góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị trên địa bàn, củng cố niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong 3 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho gần 11 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; gần 2.600 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được đi học; xây dựng và cải tạo trên 70 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh; giải quyết việc làm cho gần 19 ngàn lao động; xây mới và cải tạo trên 400 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách… Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Tỉnh năm 2021, là 3,07%, hộ cận nghèo là 3,48%; năm 2022 giảm xuống còn 2,36% và hộ cận nghèo là 2,81%. Tính đến hết tháng 6 năm 2023, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 07/08 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
 

Mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của gia đình ông Phạm Phú Quý
Phố Năm Dân, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn

 
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua Chi nhánh NHCSXH Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Phối hợp tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất - kinh doanh, các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn thị trường với việc sử dụng vốn tín dụng; lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện tốt chương trình giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hộ vay để kịp thời phối hợp với các Hội đoàn thể hỗ trợ hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Qua đó, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách chuyển biến về trình độ sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa có thu nhập cao, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân một cách bền vững, giảm chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các vùng trong Tỉnh, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách từ đó nâng cao trách nhiệm trả nợ của người dân.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Hằng - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH trao Bảng vinh danh cho các cá nhân
tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ

 
Trong thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tham mưu UBND các cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó: Tổng nguồn vốn phấn đấu đạt 3.625 tỷ đồng, tăng 308 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 9,3% so với 31/12/2022; Tổng dư nợ phấn đấu đạt 3.620 tỷ đồng, tăng 308 tỷ đồng so với 31/12/2022, tốc độ tăng trưởng 9,3%; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp./.
                                                                                             Trọng Nghĩa
 
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top