Hà Giang - tỉnh miền núi, biên giới phía cực Bắc của Tổ quốc, là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trong cả nước. Trong số 11 huyện, thành phố của tỉnh thì có tới 6 huyện thuộc diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và có 133/193 xã là xã vùng III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn Tỉnh hiện có khoảng 850 nghìn người, trong đó có trên 750 nghìn người là dân tộc thiểu số (DTTS), thuộc 22 thành phần dân tộc. Đặc biệt, có 5 DTTS rất ít người (Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao). Hầu hết, đồng bào các DTTS sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng cao, núi đá, địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất... Đây là thách thức rất lớn của tỉnh Hà Giang trong công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hà Giang dự họp tại điểm cầu Hà Giang,
Tổ chức Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021
Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đồng bào DTTS, tỉnh Hà Giang đã thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các Chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua kênh cấp vốn của NHCSXH. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang dần được nâng cao.
Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Hà Giang được Trung ương hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Từ các nguồn vốn được đầu tư, tỉnh đã xây dựng được hàng nghìn công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh trao Giấy khen của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam
cho các cá nhân
Nhìn lại công tác giảm nghèo bền vững nói chung trong giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Hà Giang ước giảm khoảng 33.163 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% năm 2016 xuống còn 22,53% năm 2020, giảm 21,12% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm khoảng 4,2% tỷ lệ hộ nghèo); trong đó, 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 34%, giảm 30,03% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 6% tỷ lệ hộ nghèo). Đặc biệt, riêng huyện Bắc Mê (huyện mới được bổ sung vào huyện nghèo 30a năm 2018) giảm từ 38,73% xuống còn 25,89%.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang làm việc tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh. Ảnh: Tư liệu
Trao đổi với Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Đỗ Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang cho biết: Những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang quan tâm chỉ đạo, với mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác TDCSXH đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động TDCSXH đã thực sự góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định an sinh xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững tại địa phương có đóng góp một phần không nhỏ từ các Chương trình TDCSXH do Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang thực hiện. Nhờ nguồn vốn ưu đãi được giải ngân kịp thời đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho con em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đi học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề… Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đồng chí Sầm Văn Hành – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước CN tỉnh Hà Giang,
thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh thăm hộ gia đình vay vốn NHCSXH
để phát triển kinh tế tại xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động TDCSXH”; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHCSXH Việt Nam liên quan đến công tác TDCSXH; Và xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện tốt Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, XDNTM, bảo đảm chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp cho hàng chục nghìn lượt hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Lãnh đạo PGD NHCSXH huyện Mèo Vạc kiểm tra hộ dân vay vốn phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn
Ông Đỗ Ngọc Tuấn cho biết thêm: Trong giai đoạn 2016-2020, NHCSXH tỉnh Hà Giang đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức CT-XH nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt các Chương trình TDCSXH trên địa bàn. Từ đó, UBND tỉnh Hà Giang đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện các chương trình mới; các chính sách mới liên quan đến TDCSXH. Bên cạnh đó, Chi nhánh chủ động phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương để bổ sung nguồn vốn và giải ngân kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Đặc biệt, đơn vị cũng thường xuyên duy trì và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, hạn chế nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng TDCSXH trên địa bàn.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Minh giải ngân vốn vay cho người dân tại phiên giao dịch xã
Bà Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hà Giang chia sẻ: Trong 6 tháng đầu năm 2021, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trước tình hình đó, với sự cố gắng nỗ lực của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hà Giang chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh bám sát các chỉ tiêu kế hoạch, thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của NHCSXH Trung ương; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Khách hàng liên hệ làm thủ tục vay vốn tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoàng Su Phì
Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hà Giang đã triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động TDCSXH”. Tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH thực hiện được 108,45 tỷ đồng, tăng 33,15 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Trong đó, nguồn ngân sách ủy thác cho vay theo Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND, về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt 19 tỷ đồng.
Người dân thôn Khuổi Hon, xã Đường Hồng, huyện Bắc Mê vay vốn ưu đãi của NHCSXH
phát triển mô hình trang trại nuôi thỏ, gà Đông Tảo đem lại hiệu quả kinh tế cao
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang thực hiện bám sát các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch NHCSXH Trung ương giao; Định hướng của UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; Đôn đốc các phòng giao dịch trong việc tăng trưởng các chỉ tiêu tín dụng, chủ động xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, lãi tồn và tăng cường công tác nhận tiền gửi nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch chuyên môn được giao.
Cán bộ NHCSXH huyện Quang Bình giải ngân vốn vay cho người dân tại xã Xuân Minh
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng: Tính đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn đạt 3.544,7 tỷ đồng, tăng hơn 296,3 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 9% so với đầu năm 2021; tổng dư nợ đạt 3.531,6 tỷ đồng/86.172 lượt khách hàng dư nợ, tăng gần 294 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 9,1% so với đầu năm. Một số PGD có tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cao như: Bắc Quang 42,44 tỷ đồng; Quang Bình tăng trên 31,7 tỷ đồng; Vị Xuyên trên 37 tỷ đồng; Yên Minh gần 34,6 tỷ đồng; Mèo Vạc 32,4 tỷ đồng; Xín Mần gần 29 tỷ đồng…
Lãnh đạo NHCSXH huyện Bắc Quang trao sổ vay vốn cho người dân tại xã Kim Ngọc
theo Đề án cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế hộ gia đình
Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt NHCSXH, các tổ chức CT - XH nhận ủy thác và các ngành có liên quan, tích cực chuyển tải nguồn vốn TDCSXH đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Theo đó, doanh số cho vay đạt 742,2 tỷ đồng/17.034 lượt khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 4 nghìn hộ nghèo, trên 2,3 nghìn hộ cận nghèo, trên 2 nghìn hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; trên 4,74 nghìn hộ được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; 1,12 nghìn lao động được tạo việc làm; gần 4,8 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn được xây dựng...
Đoàn công tác do ông Lê Tuấn Quang, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh làm Trưởng đoàn
kiểm tra, giám sát một số hộ vay cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 58/NQ-HĐND trên địa bàn huyện Vị Xuyên
(Ảnh: Kiểm tra tại hộ vay Hà Thị Dũng, thôn Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên)
Ngoài ra, NHCSXH cũng duy trì và thực hiện tốt lịch trực giao dịch tại 193/193 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ giao dịch tại xã bình quân toàn Chi nhánh đạt 95,8%, trong đó: Tỷ lệ giải ngân đạt 95,6%, thu nợ 92%, thu lãi 99,9%. Chất lượng tín dụng từng bước được nâng lên, nợ quá hạn còn 3,47 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,1%/tổng dư nợ, giảm 42 triệu đồng so với đầu năm; Nợ khoanh còn 2,43 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,07%/tổng dư nợ, giảm 385 triệu đồng so đầu năm...
Ông Lê Tuấn Quang, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang
trao quà hỗ trợ phòng, chống đại dịch Covid - 19 tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang
Trong thời gian tới, Chi nhánh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực, kiên trì hoạt động theo phương châm “tất cả vì người nghèo” và “không để hộ đồng bào DTTS nào đủ điều kiện vay vốn mà thiếu vốn sản xuất, kinh doanh”. Mạnh dạn đổi mới phương thức đầu tư, hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho các chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tại 6 huyện nghèo 30a, những khu vực vùng sâu, vùng xa, các địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh.
Ông Đỗ Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc, đại diện Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang
trao quà cho gia đình hộ nghèo Lù Kháy May tại xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần
Mặt khác, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình TDCSXH, gắn với việc lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật... giúp cho người vay sử dụng nguồn vốn có hiệu quả nhằm phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng khu vực nông thôn tỉnh Hà Giang ngày càng “khang trang - sạch đẹp; ấm no - hạnh phúc”./.
Trọng Nghĩa