Huyện Định Hóa: Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp

13/12/2023 - 10:49 AM
Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 50 km về phía Tây Bắc, dân số trên 91.000 người với 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 73,6%. Huyện Định Hóa có diện tích tự nhiên trên 513 km2, trong đó đất lâm nghiệp chiếm trên 66%, đất nông nghiệp chiếm trên 26,%. Kinh tế chủ yếu của Huyện vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp; cây lúa, cây chè là những cây trồng chủ lực của địa phương; cây quế được xác định là cây trồng mũi nhọn, đang là hướng đi mới, được Huyện quan tâm, tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện.
 

Huyện Định Hóa hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
vào sản xuất để phát triển cây chè theo hướng bền vững
 
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Những năm qua, huyện Định Hóa đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới; chủ động ứng phó với dịch bệnh, thiên tai; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Huyện; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện liên kết theo chuỗi sản phẩm đối với các làng nghề chè, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm trà Định Hóa; củng cố, phát triển các hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia thực hiện các mô hình, dự án gắn với Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
 

Vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Sơn Phú, huyện Định Hóa
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

 
Theo đó, để phát huy tiềm năng, thế mạnh về diện tích đất nông lâm nghiệp, Huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, duy trì và phát triển các giống lúa đặc sản như: Bao Thai, J02, nếp Vải, nếp cái Hoa vàng… và các sản phẩm được chế biến từ gạo như mỳ gạo Bao Thai, bún, phở và các loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc... Năm 2023, tổng diện tích trồng lúa của Huyện đạt trên 8.700 ha, sản lượng lương thực có hạt ước đạt hơn 51.500 tấn.
 
Bên cạnh đó, huyện Định Hóa trồng các giống chè mới có năng suất chất lượng cao, diện tích trồng chè mới và thay thế hằng năm đạt trên 100 ha, mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn lên hơn 360 ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, sản lượng chè búp tươi của năm 2023 ước đạt 29.200 tấn, bình quân tăng 1,74%/năm. Trong bảo vệ và phát triển rừng, mỗi năm, bà con trong Huyện trồng mới trên 1.000 ha/năm, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 59%, cao hơn mức bình quân chung của toàn Tỉnh.
 

Huyện Định Hóa dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân về giống và kỹ thuật trồng
Quế, là cây trồng chủ lực của địa phương
 
Đồng thời, huyện Định Hóa cũng xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí để phát triển cây quế có giá trị kinh tế cao gắn với thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Diện tích trồng quế bình quân đạt trên 500 ha/năm, ước đến hết năm 2023 toàn Huyện trồng được trên 4.150 ha quế, trong đó có hơn 700 ha quế đã đến tuổi được khai thác tỉa thưa.
 
Ông Mông Đình Tinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Định Hóa đã tập trung chỉ đạo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn đi đôi với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã (HTX), lấy kinh tế HTX nông nghiệp làm trung tâm để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; an toàn, thân thiện với môi trường.
 

Ông Triệu Thanh Bình, xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng
từ việc tỉa bán cành, lá quế. Ảnh: Hoàng Nguyên – TTXVN

 
Hiện nay trên địa bàn huyện Định Hóa có 42 HTX đang hoạt động; trong đó có 37 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong những năm qua, các HTX trên địa bàn huyện luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuân lợi để tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ từ các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Cụ thể các HTX trên địa bàn Huyện đã được hỗ trợ, tiếp cận các chính sách như sau:
 

Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của Huyện tại xã Trung Lương phục vụ du khách
thăm quan ATK Định Hóa. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

 
Hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng cho các HTX để phát triển sản xuất từ nguồn ngân sách của Huyện. Giới thiệu và hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ quỹ phát triển của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên. Hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các mô hình, dự án gắn với Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài huyện. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất gắn với các sản phẩm đặc trưng của các HTX như: Kỹ thuật sản xuất, chế biến chè, lúa, cây ăn quả...; Kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi; chế biến lương thực, thực phẩm... Đặc biệt, hỗ trợ các HTX tiếp cận với quá trình chuyển đổi số; Hỗ trợ các HTX thực hiện các Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
 

Một số sản phẩm nông nghiệp sạch của huyện Định Hoá được giới thiệu, trưng bày phục vụ du khách
 
Đến nay, huyện Định Hóa đã có 08 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao (04 sản phẩm trà; 03 sản phẩm gạo và sản phẩm được chế biến từ gạo; 01 sản phẩm đũa cọ). Theo kế hoạch, năm 2023 Huyện có thêm 05 sản phẩm được xếp hạng; hiện đã có 08 sản phẩm đăng ký phân hạng và đang thực hiện các bước theo quy trình thẩm định. Năm 2023 hỗ trợ cho 16 HTX thực hiện các Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm từ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 với tổng số kinh phí hỗ trợ trên 10,8 tỷ đồng, hiện nay các dự án đang trình Hội đồng Thẩm định các dự án của Tỉnh thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện.
 

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Thái Nguyên hỗ trợ xây dựng
Trườ
ng THCS Tân Dương, huyện Định Hóa

 
Trong thời gian tới, huyện Định Hóa tiếp tục chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây trồng chất lượng, năng suất cao, đảm bảo diện tích gieo cấy lúa, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu sản lượng lương thực có hạt. Tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cây chè; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX liên kết theo chuỗi sản phẩm đối với các làng nghề chè của Huyện. Tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm có giá trị kinh tế, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Huyện./.                                                                                                     
 Trọng Nghĩa
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top