Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng: Những bước chuyển mình mạnh mẽ và vững chắc

05/03/2020 - 09:56 AM
Đổi thay trên quê hương “Cội nguồn cách mạng”
 
Cao Bằng chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đầu tiên sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đây cũng chính là địa điểm đầu tiên Người chọn để gây dựng phong trào cách mạng và trở thành “đại bản doanh” của cách mạng Việt Nam trong những năm 1941-1945. Tuy nhiên, đến nay, Cao Bằng vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn khi có 8/13 đơn vị hành chính cấp huyện nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất cả nước, có 199 đơn vị hành chính cấp xã thì có 139 xã khu vực III, 49 xã khu vực II.
 
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng: Những bước chuyển mình mạnh mẽ và vững chắc
 
Lãnh đạo Tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh tặng các tập thể
 
Hiện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 27 dân tộc anh em sinh sống với tổng dân số là 530,3 nghìn người. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 94,26% dân số, chủ yếu là người Tày (40,97%), người Nùng (31,08%), người Mông (10,13%), người Dao (10,08%). Giữa các dân tộc có sự chênh lệch lớn về sự phát triển. Trong khi người Tày, Nùng chủ yếu sinh sống ở khu vực thị trấn, thị tứ, thành phố và các thung lũng ven sườn đồi, những nơi có địa hình thuận lợi thì các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ... thường cư trú ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao có địa hình chia cắt phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn.

Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa bàn, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn vốn Trung ương từ các Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn theo các Quyết định số 755/QĐ-TTg, Quyết định số 102QĐ-TTg, Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết hợp với ngân sách địa phương và tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước... để tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, chỉ tính riêng chương trình 135, giai đoạn 2014 - 2019, Tỉnh được bố trí gần 1.075 tỷ đồng và đã xây dựng được 1.591 lượt công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho vùng đồng bào DTTS... Nhờ đó, diện mạo vùng nông thôn nơi tập trung nhiều đồng bào DTTS đã sự thay đổi tích cực: 100% đường trục liên xã được thông tuyến, 100% các xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ có điện đạt 91,66%. 100% xã có trạm y tế kiên cố hóa, trong đó 65,3% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế…

Trên cơ sở kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, Cao Bằng tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ như chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn... Thông qua các chính sách này, đồng bào DTTS được hỗ trợ giống cây (cây ăn quả, cây công nghiệp), giống vật nuôi, máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, được hỗ trợ làm chuồng trại, lò sấy, được tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, được vay vốn ưu đãi... Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Năm 2018, thu nhập bình quân của người DTTS là 26 triệu/người/năm (toàn tỉnh đạt 28,6 triệu/ người/năm), tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm chỉ còn 31,06%, bình quân giảm 3,9%/năm. Kinh tế phát triển, đồng bào các DTTS tỉnh Cao Bằng tích cực hưởng ứng và đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh đã có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 xã đạt 15 - 16 tiêu chí, không còn xã nào dưới 5 tiêu chí.

Vì sự phát triển toàn diện của vùng đồng bào DTTS

Là tỉnh có trên 94% dân số là đồng bào DTTS nên Cao Bằng được thụ hưởng hầu như tất cả các chính sách dân tộc nhằm phát triển toàn diện. Do đó, không chỉ kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư mà sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, công tác an sinh xã hội cũng như bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các DTTS cũng được phát huy và đạt được nhiều kết quả tốt. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như Hải quan, Biên phòng, Công an hay các doanh nghiệp cũng tích cực chung tay vào chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS nhất là đồng bào ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.
 
Với sự chung tay của toàn xã hội, hệ thống y tế được củng cố, phát triển từ tuyến tỉnh đến cơ sở. 13/13 Trung tâm y tế huyện, thành phố, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các dân tộc. Công tác bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội được triển khai kịp thời và có hiệu quả. 98,17% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có 99,4% người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, đến hết năm 2018, Cao Bằng mới chỉ có 41,59% phòng học mầm non, 45% phòng học tiểu học, 92,2% phòng học THCS và 98,04% phòng học THPT được kiên cố. Song với sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường; 99% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Cao Bằng có nền văn hóa giàu bản sắc, hội tụ vẻ đẹp truyền thống của 27 dân tộc anh em, vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa được tỉnh đẩy mạnh. Điều này được thể hiện rõ khi Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 4/2018. Để bảo tồn và nhận được danh hiệu này thì một trong những yếu tố then chốt là Cao Bằng phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS khi được khai thác sẽ trở thành “chất liệu” cho vào phát triển du lịch của Tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực trên mọi mặt của vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Cao Bằng, các chính sách dân tộc cũng bộc lộ một số hạn chế như chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, công tác phối hợp và tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ, một số chính sách còn mang tính chủ quan, một bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức vươn lên, vẫn còn trông chờ, ỷ lại các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước... Trên cơ sở đánh giá đúng những tồn tại, hạn chế, Tỉnh rất mong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban Ngành sẽ có những giải pháp điều chỉnh để các chính sách dân tộc được thực hiện tập trung và có phương pháp hỗ trợ phù hợp nhằm khích lệ tinh thần vươn lên của đồng bào các DTTS nói chung và DTTS tỉnh Cao Bằng nói riêng. Có như vậy, đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng sẽ đóng góp ngày một nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng vững chắc, xây dựng Cao Bằng ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bế Văn Hùng
Trưởng ban, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng
 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top