Ninh Bình: Thúc đẩy công nghiệp tạo đà cho phát triển thương mại, dịch vụ

23/10/2023 - 09:13 AM
Những năm qua, ngành Công Thương Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước phát triển lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
Thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp
 
Giai đoạn 2021-2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trong Tỉnh gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số nước vẫn thực hiện chính sách zero-Covid dẫn tới hoạt động thương mại bị ảnh hưởng lớn, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraina tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu toàn cầu khiến việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên công nhân đang làm việc
tại Nhà máy Ô tô Hyundai Thành Công số 2

 
Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện trên các lĩnh vực; công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất được quan tâm chú trọng, nhờ đó sản xuất công nghiệp của Tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 107.326 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2021.
 
Để triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN), Sở Công Thương đã thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút đầu tư hạ tầng CCN, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN. Hiện toàn Tỉnh đã thu hút 361 dự án đầu tư (105 dự án của doanh nghiệp và 256 dự án của hộ gia đình) với tổng vốn đăng ký đầu tư 18.702,77 tỷ đồng. Doanh thu của các CCN năm 2022 ước đạt 11.678,89 tỷ đồng, nộp ngân sách 255,33 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30.875 lao động.
 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chủ trì Hội nghị gặp gỡ định kỳ tháng 4 năm 2023
với đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã

 
Khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ
 
Để phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phụ trợ lớn của vùng và cả nước, thời gian qua Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND Tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 về phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn tích hợp vào Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu; hoàn thiện Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
 
Nhờ đó, ngành Công nghiệp Ninh Bình tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh tăng dần theo các năm, trong đó sản xuất công nghiệp ô tô và các ngành phụ trợ cho ô tô là điểm sáng với mức tăng trưởng rất cao và có đóng góp khá lớn vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành Công nghiệp. Điển hình là Tập đoàn ô tô Thành Công với Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô (công suất 13.000 xe/năm). Tỉnh cũng đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ (CNHT), công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô như Dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô của Công ty TNHH ADM 21 (KCN Khánh Phú); Công ty cổ phần Sejung (CCN Cầu Yên) sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm; Nhà máy phụ tùng ô tô DMGV (CCN Gia Vân) sản xuất hệ thống vòng kẹp, phụ tùng dập, công suất 7 triệu sản phẩm/năm;…Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư đã hỗ trợ, tạo cơ hội thuận lợi, điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
 

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH McNex Vina tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình
 
Thương mại nội địa phục hồi, mở rộng thị trường xuất khẩu
 
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn Tỉnh ước đạt 51.057 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2021. Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, đã có sự chuyển biến tích cực, một số công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mua sắm của Nhân dân, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Trên địa bàn Tỉnh có 02 trung tâm thương mại, 09 siêu thị, 24 cửa hàng điện máy (tương đương siêu thị hạng 3 chưa phân hạng; 233 cửa hàng xăng dầu, 03 kho xăng dầu. Hệ thống cung cấp khí đốt (LPG) có 4 trạm chiết nạp, 05 doanh nghiệp kinh doanh mua bán khí và trên 500 cửa hàng kinh doanh LPG.
 
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh giai đoạn 2021-2023 ước đạt trên 9.355 triệu USD, tăng bình quân 4,9%/năm; trong đó, riêng năm 2023 ước đạt 3.250 triệu USD, bằng 101,56% so với chỉ tiêu kế hoạch đưa ra. Đến nay, các sản phẩm xuất khẩu của Tỉnh đã có mặt tại thị trường của trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
 

Người dân tham ra mua sắm tại Siêu thị và các Trung tâm thương mại trên địa bàn Tỉnh
 
Chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9.736,5 triệu USD, tăng bình quân 1,8%/năm; trong đó, năm 2023 tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.300 triệu USD, tăng 3,56% so với năm 2021.
 
Hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất
 
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất, hàng năm, Sở Công Thương triển khai các đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương với kinh phí khoảng 07 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đào tạo nghề, đầu tư xây dựng nâng cấp nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 

Công nhân Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô)
hăng say làm việc để tạo ra các sản phẩm gốm cao cấp

 
Sở Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các gian hàng miễn phí trên các nền tảng Thương mại điện tử Việt Nam như sendo, tiki, lazada...; xây dựng và phát triển gian hàng trên sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tham gia chương trình xúc tiến bán hàng trên Nền tảng ECVN do Cục TMĐT và Kinh tế số hợp tác với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thực hiện; đồng thời tăng cường cung cấp thông tin thị trường, quảng bá, giới thiệu mặt hàng tiềm năng của tỉnh, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu qua website của Sở congthuong.ninhbinh.gov.vn.
 

Cắt băng Khai mạc Hội chợ Thương mại và Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội
tỉnh Ninh Bình năm 2022

 
Hằng năm, Sở Công Thương triển khai các đề án xúc tiến thương mại với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ thông tin thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng nông sản lưu động tại các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu vực miền núi để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản; Tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu; liên kết với doanh nghiệp các thành phố lớn, các tỉnh, vùng lân cận để quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của Ninh Bình./.
                                                                                             Trọng Nghĩa

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top