Ninh Bình: Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản

25/12/2023 - 10:27 AM
Những năm qua, công tác quản lý chất lượng, kiểm tra giám sát ATTP đối với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình rất được quan tâm chú trọng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành nhiều chính sách, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình: Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND, Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp ban hành theo Quyết định số 406/QĐ-UBND... Kế hoạch thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030”, Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Tỉnh hằng năm, Chương trình giám sát theo Thông tư 08/2016TT-BNNPTNT trong năm.
 
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh Ninh Bình cho biết: Chi cục đã thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, góp phần bảo đảm ATTP ngay trong toàn bộ quá trình sản xuất ra sản phẩm, là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, xuyên suốt cả quá trình quản lý về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng, từ đó góp phần quan trọng vào kết quả chung về đảm bảo ATTP của toàn tỉnh.
 

Đoàn kiểm tra làm việc với Công ty TNHH Thực phẩm Thiên Nhiên Xanh về công tác ATTP
 
Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh, đi trước một bước dưới nhiều hình thức từ phát tờ rơi, tập huấn tuyên truyền, đưa tin phóng sự trên báo đài, website của Sở Nông nghiệp và PTNT, đặc biệt là tuyên truyền, tập huấn, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về ATTP; các quy trình, quy phạm thực hành sản xuất tốt, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bảo đảm ATTP cũng như thực hiện các mô hình, chương trình, dự án... tập trung vào các nhóm đối tượng: Nhà Quản lý, Người SXKD và Người tiêu dùng thực phẩm. Các hoạt động thông tin tuyên truyền được tập trung đẩy mạnh trong các thời điểm như: Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội.
 

Hội nghị tập huấn quản lý Nhà nước về các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm
 
Công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã được Chi cục triển khai tích cực, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật. Chi cục đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATTP. Đặc biệt vào các dịp cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Tết Trung thu. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã kết hợp hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATTP để từng bước nâng cao ý thức chấp hành của các cơ sở trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.
 
Hội nghị Sơ kết Chương trình giám sát NT2MV 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 
6 tháng cuối năm 2023.
 
Đồng thời kết hợp lấy mẫu giám sát, hậu kiểm các chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm để từ đó định hướng cho công tác quản lý. Thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, thẩm định với 496 lượt cơ sở được kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 175 cơ sở, lấy 888 mẫu phục vụ kiểm tra, giám sát trong đó phát hiện và xử lý 26 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 100 triệu đồng.
 
Các chương trình giám sát như: Chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong và sau thu hoạch (NT2MV), chương trình giám sát dư lượng, giám sát sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã góp phần đưa vùng thu hoạch NT2MV Kim Sơn – Ninh Bình đạt vùng thu hoạch NT2MV loại B đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU. Trong 3 năm đã thực hiện cấp 1.446 Giấy chứng nhận xuất xứ NT2MV cho hơn 31 nghìn tấn nông sản thực phẩm, tạo điều kiện cho NT2MV Ninh Bình xuất khẩu ra thị trường EU, Trung Quốc. Lấy  mẫu thủy sản nuôi thực hiện chương trình giám sát dư lượng tại vùng nuôi thủy sản Kim Sơn. Thông qua việc chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giúp nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng hơn (do được kiểm soát từ khâu sản xuất đến khâu đưa ra thị trường). Đến nay, Chi cục đã chứng nhận, kiểm tra, giám sát được 30 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
 

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại thành phố Ninh Bình
 
Mặt khác, Chi cục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn, thực hiện giải quyết TTHC theo đúng quy định, không có trường hợp quá hạn. Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nguồn gốc, chất lượng, an toàn thực phẩm và kết nối cung cầu nông sản thực phẩm tỉnh Ninh Bình thông qua trang Website: https://check.ninhbinh.gov.vn/. Tính đến tháng 9/2023, trên hệ thống đã có 118 cơ sở tham gia với 283 sản phẩm, các sản phẩm đều có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, dễ dàng tra cứu.
 

Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lệ Thanh, thành phố Ninh Bình giới thiệu với các đại biểu sản phẩm
"Thịt chưng Mắm tép", hạng Ocop 4 sao năm 2021 đảm bảo ATTP.
 
Hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, bảo đảm ATTP gắn với truy xuất nguồn gốc, hướng đến xây dựng các vùng nguyên liệu có chất lượng, được chứng nhận theo tiêu chuẩn như VietGAP, hữu cơ... Đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Từ năm 2020 đến nay, Chi cục đã triển khai 13 mô hình về đảm bảo ATTP, trong đó 01 mô hình đã được cấp chứng nhận hữu cơ.
 

Mô hình nông nghiệp thông minh trong sản xuất rau, quả an toàn của Công ty cổ phần Đầu tư
Công nghệ Xanh tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh.

 
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Ninh Bình tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản theo thẩm quyền quản lý, cụ thể: 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được thanh tra, kiểm tra, thẩm định, đánh giá xếp loại theo quy định. Tích cực tuyên truyền về ATTP với đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung; tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các mô hình đảm bảo ATTP, nhất là các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến như: Hữu cơ, VietGAP HACCP, ISO 22000...


Mô hình cửa hàng nông sản an toàn được Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình triển khai trên địa bàn
 
Đồng thời, tiếp tục có chính sách phù hợp phát triển các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch. Từ đó tập trung xây dựng và mở rộng các chuỗi thực phẩm an toàn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản phẩm, liên kết, xúc tiến thương mại để tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp cho người nông dân đảm bảo cuộc sống và từng bước làm giàu từ nông nghiệp./. 
                                                                                             Trọng Nghĩa
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top