Ninh Bình: Phát huy hiệu quả Tín dụng chính sách đối với phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo

13/01/2022 - 02:32 PM

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Bình thực hiện các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần không nhỏ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, gắn với xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Nhân dịp đầu Xuân mới 2022, phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn đồng chí Phạm Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình xung quanh vấn đề này.

Đồng chí Phạm Đức Cường, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình
 

PV: Xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật của các chương trình cho vay, hỗ trợ mà Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã triển khai, thực hiện trong 5 năm vừa qua? 

Đồng chí Phạm Đức Cường: Trong 5 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã bám sát chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về các chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Tính đến 31/12/2021, kết quả đạt được cụ thể như sau: Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách là 2.855.549 triệu đồng, tăng 1.055.646 triệu đồng (+59%) so với 31/12/2015. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 2.258.491 triệu đồng, chiếm 79% tổng nguồn vốn; Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là 165.357 triệu đồng, chiếm 6% tổng nguồn vốn; Nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân là 431.701 triệu đồng, chiếm 15% tổng nguồn vốn. Doanh số cho vay đạt 4.806.735 triệu đồng, với trên 155 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.852.103 triệu đồng, tăng 1.055.768 triệu đồng (+59%) so với 31/12/2015, với 78.643 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
 

Có được những kết quả trên là nhờ hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; của Ban đại diện HĐQT các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, do đó đã kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động tín dụng chính sách xã hội phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có những bất cập. Đó là, nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm bổ sung hằng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn tạo việc làm của người lao động, nhất là lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp có vốn chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Hộ Vũ Văn Lịch, thôn Tân Thành, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan


PV: Xin đồng chí cho biết từ những nguồn vốn vay ưu đãi này đã có tác động như thế nào đến công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương?

Đồng chí Phạm Đức Cường: Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp cho hơn 30 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi; trên 2 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được đi học; xây dựng và cải tạo trên 100 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh; giải quyết việc làm cho gần 15 nghìn lao động; xây mới và cải tạo trên 500 ngôi nhà cho hộ nghèo...

Hộ chăn nuôi trâu tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan
 

Vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm; làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý vốn, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế hộ tái nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giai đoạn 2016-2020 giảm từ 7,46% năm 2016 xuống còn 1,87% đến cuối năm 2020; năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới là 3,07%. Vốn tín dụng chính sách xã hội có tác động tích cực nhằm đẩy lùi, ngăn chặn sự tác động tiêu cực của “tín dụng đen” đối với cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Hộ Nguyễn Đình Thanh, thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư
 

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn, đồng thời góp phần giảm thiểu bệnh tật do thiếu nước sạch hoặc sử dụng công trình vệ sinh chưa đảm bảo tiêu chuẩn, giảm chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo sức khoẻ cho người dân; thu hẹp khoảng cách về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng nông thôn với nhau. Đặc biệt, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc giúp 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 117 xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Hộ Vũ Thị Ca, xóm 2 Đồng Chưa, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn
 

Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Ninh Bình (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh các cấp tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp người nghèo có điều kiện được sinh hoạt tại các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó tiếp cận được nhiều hoạt động lồng ghép như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí... tạo sự gắn bó mật thiết với quần chúng, đoàn viên, hội viên. Với cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo của NHCSXH đó là tổ chức giao dịch tại các Điểm giao dịch đặt tại 100% trụ sở UBND cấp xã ở tất cả các huyện, thành phố để người dân thực hiện vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm… đã tiết giảm được chi phí đi lại, tạo thuận lợi cho người dân trong việc vay vốn, trả nợ ngân hàng.

Hộ Nguyễn Văn Khoa, xóm 4, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn


PV: Để nâng cao chất lượng tín dụng của các chương trình, dự án trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, địa phương trong việc hướng dẫn, tư vấn cho người dân sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả cũng như đề cao trách nhiệm trả nợ của người dân như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Đức Cường: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Phối hợp tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất - kinh doanh, các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn thị trường với việc sử dụng vốn tín dụng; lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với các chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm thực hiện tốt chương trình giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình như: Phối hợp với các tổ chức đoàn thể mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ con giống, cây con, cách thức nuôi trồng…; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; khởi nghiệp và phát triển kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh; Xây dựng các mô hình chăn nuôi, phát triển cây ăn quả an toàn; mô hình thủ công, mỹ nghệ kết hợp bao tiêu sản phẩm đầu ra…

Đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình
phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW

 

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hộ vay để kịp thời phối hợp với các Hội đoàn thể hỗ trợ hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Qua đó, đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách chuyển biến về trình độ sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa có thu nhập cao, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân một cách bền vững, giảm chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách từ đó nâng cao trách nhiệm trả nợ của người dân.

Giao dịch tại xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh
 

PV: Xin đồng chí chia sẻ thêm về vai trò và tầm quan trọng của Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Ninh Bình thời gian qua?

Đồng chí Phạm Đức Cường: Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện (22/11/2014), Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành việc làm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình, đã đạt được một số kết quả quan trọng: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác tín dụng chính sách.

Hộ Quách Thị Dung, thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan
 

Đặc biệt, xác định tín dụng chính sách là khâu then chốt trong công tác giảm nghèo trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo nguồn lực thực hiện hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn: Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, bố trí đất xây dựng Hội sở tỉnh, 07/07 phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện và hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở, hỗ trợ một số trang thiết bị khác phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đồng chí Phạm Đức Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc chi nhánh phát biểu
tại Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị

 

Hằng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND tỉnh đã bố trí 12.290 triệu đồng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hằng năm UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn thực hiện hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.Tính đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 165.357 triệu đồng, tăng 153.067 triệu đồng, gấp 13,5 lần trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. 

Cán bộ NHCSXH tham dự sinh hoạt Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại xóm Miễu 2, xã Khánh An, huyện Yên Khánh
 

Trong thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 40 và Kết luân số 06 – KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Triển khai có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay, góp phần thiết thực, đắc lực thực hiện công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

                                                                                    (Trọng Nghĩa thực hiện)


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top