Ninh Thuận: Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến để đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu

27/09/2023 - 10:05 AM
Tỉnh Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) với trên 144,2 nghìn người, chiếm 24,4% dân số của Tỉnh ở tại 28 xã thuộc vùng DTTS và miền núi (trong đó có 15 xã khu vực III, 1 xã khu vực II và 12 xã khu vực I).

Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Nổi bật trong đó là xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, như: Trồng mía, bắp lai, bưởi da xanh, mãng cầu; phát triển đàn gia súc có sừng theo hướng lấy thịt, nuôi heo đen đặc sản; mô hình "cánh đồng lớn” sản xuất lúa giống vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước; trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện miền núi Bác Ái, Thuận Bắc...

 
Ninh Thuận: Phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Đồng bào DTTS xã Phước Bình, huyện Bác Ái phát triển kinh tế từ mô hình
trồng cây bưởi da xanh

 
Một thành công điển hình được nhắc đến là tại huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận. Từ chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc do Vườn Quốc gia Phước Bình triển khai và hỗ trợ cây giống, nhiều hộ đồng bào Raglai đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Cây bưởi da xanh rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Nếu canh tác tốt, giống bưởi da xanh cho trái quanh năm, mỗi năm loại cây này có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Thực tế, nhiều hộ dân người DTTS của huyện Bắc Ái đã có thu nhập từ hàng chục đến hàng chăm triệu đồng nhờ trồng bưởi da xanh. Đơn cử như hộ ông Pi năng Chiên ở thôn Bạc Rây 1, xã Phước Bình - là một trong những người tích cực chuyển đổi từ trồng bắp, lúa trên đất rẫy kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh cho giá trị kinh tế cao. Sau 5 năm trồng thử nghiệm 5 sào bưởi với 150 gốc, khi thu hoạch sau khi trừ chi phí, gia đình ông Pi năng Chiên đã thu về hơn 70 triệu đồng, tính hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng bắp.

Là huyện có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất Tỉnh, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, huyện Ninh Phước chọn cho mình hướng đi khác, đó là phát triển nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn, phát triển các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như nho, táo, đặc biệt là những cánh đồng măng tây. Vụ hè thu 2022, toàn huyện đã có 14 cánh đồng lớn với diện tích 2.348 ha, vượt 3,5% kế hoạch. Trong đó, cánh đồng lớn lúa 2.156,6 ha, tăng 78 ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng đồng bào Chăm như Phước Hậu 734 ha, Phước Thái 222 ha, Phước Hữu 385 ha. So sánh về giá trị kinh tế, mô hình sản xuất lúa giống tại các xã Phước Hậu, Phước Thái tăng thêm lợi nhuận 5,8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm; sản xuất gạo sạch tại thôn Hữu Đức lợi nhuận tăng thêm 7 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Nhờ đó, khu vực vùng đồng bào DTTS người Chăm ở Ninh Phước ngày càng phát triển, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng được nhà ở khang trang, tạo nên nét tươi mới cho vùng nông thôn. 

 
Ninh Thuận: Phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi 1
Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận khá lên nhờ 'cánh đồng lớn"
 
Bên cạnh đó, Dự án “ Ứng dụng khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số”  được triển khai tại các xã vùng DTTS của huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bắc Ái đã đạt kết quả tích cực. Quy mô đàn bò và diện tích canh tác cỏ đều được mở rộng. Đã có hàng trăm hộ dân người DTTS được đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò hướng thịt. Nhiều hộ dân người DTTS đã phát triển đàn bò hàng chục con với số vốn hàng trăm triệu đồng, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài tăng cường xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tại vùng DTTS và miền núi, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho đồng bào DTTS. Ví dụ như tại huyện Thuận Bắc - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vài năm trở lại đây, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân đã được quan tâm, thực hiện chặt chẽ. Đến nay, huyện Thuận Bắc đã thu hút được một số doanh nghiệp liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, giúp tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân như: Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang cho cung ứng vật tư, phân bón và thu mua mía của nông dân xã Phước Chiến; Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát thu mua đậu xanh ở các xã Công Hải, Bắc Phong; Công ty Cổ phần Cánh Đồng Việt liên kết trồng cây nha đam tại xã Bắc Sơn...

Hoạt động liên kết sản xuất cũng phát triển mạnh ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái... Đặc biệt, các hợp tác xã nằm ở khu vực có đồng bào DTTS sinh sống đã làm tốt vai trò trong việc kết nối doanh nghiệp, lựa chọn các sản phẩm mang tính đặc thù của đồng bào DTTS để tổ chức sản xuất. Tiêu biểu là HTX Phước An liên kết với đồng bào Raglai xã Phước Vinh trồng 300 ha bắp giống, năng suất bình quân 70 tạ/ha, cao hơn 7 tạ/ha so với bắp thương phẩm; HTX Phước Hậu liên kết nông dân ở các thôn trên địa bàn thực hiện mô hình san phẳng đồng ruộng bằng tia laser trên diện tích 29,4 ha, mang lại lợi nhuận 30,4 triệu đồng/ha; HTX Tầm Ngân liên kết với bà con xã Lâm Sơn chuyên trồng ớt sạch, hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế đến tiêu thụ; HTX Tuấn Tú liên kết với Trang trại hữu cơ Tiên Tiến trồng 40 ha măng tây xanh, áp dụng đồng bộ tưới nước tiết kiệm, năng suất đạt 73 tạ/ha, sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường...

Những giải pháp trên đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tại vùng DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận, giúp nhiều hộ dân đồng bào DTTS thoát nghèo, có cuộc sống ổn định và ấm no, đặc biệt nhiều hộ người DTTS đã vươn lên làm giàu, có điều kiện hỗ trợ các hộ DTTS còn khó khăn trong phát triển kinh tế./.
Minh Châu

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top