Thái Bình: Đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động

27/10/2023 - 09:05 AM
Những năm qua, cùng với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là khu kinh tế Thái Bình, số lượng các dự án đầu tư vào Thái Bình ngày càng nhiều, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp ngày càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp, cũng như nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tỉnh Thái Bình đã luôn chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động.

Công tác đào tạo nghề ngày càng được quan tâm

Tỉnh Thái Bình hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 03 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp và 17 trung tâm. Các cơ sở GDNN thời gian qua đã được tỉnh Thái Bình đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo. Ngoài ra, một số trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện đã được đầu tư xây mới từ nguồn kinh phí của địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác.

Tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cơ sở GDNN tích cực gắn đào tạo nghề với nhu cầu xã hội, nhằm mang lại “lợi ích kép” vừa góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, rút ngắn khoảng cách lý thuyết và thực hành tại cơ sở, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, nhờ đó số lượng lao động đi đào tạo nghề càng lớn.

 
Thái Bình: Đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động
Đào tạo nghề may tại Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình

Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 173 nghìn người. Năm 2022, tổng số lao động qua đào tạo của tỉnh Thái Bình là khoảng 36 nghìn người, trong đó có 11 nghìn người tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp, còn lại là đạt trình độ sơ cấp dưới 3 tháng.

Đặc biệt, Tỉnh luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nâng cao tỷ lệ lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Theo đó, tỉnh Thái Bình đã xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để người học được hỗ trợ về học phí và có thể chủ động lựa chọn thời gian đào tạo.

Mới đây nhất, tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 849/QĐ-UBND ngày 08/5/2023 phê duyệt Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và chương trình chất lượng cao, hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp và xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo, đẩy mạnh phân luồng học sinh THCS; Hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo. Mục tiêu đến năm 2025,
tỉnh Thái Bình nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 77%, trong đó đào tạo nghề đạt 62%.

Làm tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm

Giai đoạn 2016-2020, toàn Tỉnh đã tạo việc làm mới cho gần 166 nghìn lao động, bình quân đạt trên 33 nghìn lao động/năm. Năm 2022, tỉnh đã tạo việc làm mới cho 34,5 nghìn lao động, trong đó tạo việc làm trên địa bàn tỉnh gần là 25 nghìn người, lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 6,5 nghìn người, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 3 nghìn người. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 19,1 nghìn người được giải quyết việc làm mới (bằng 101% so cùng kỳ năm trước). Trong đó, có hơn 13,4 nghìn lao động được tạo việc làm tại địa phương; gần 4 nghìn lao động đi làm việc tại tỉnh ngoài và hơn 1,7 nghìn lao động làm việc tại nước ngoài.

Để người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin về việc làm cũng như lựa chọn được những công việc phù hợp với năng lực và chuyên môn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đã thực hiện đa dạng, linh hoạt các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và thông tin thị trường lao động; Hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động để người sử dụng lao động, người lao động thỏa thuận nhu cầu việc làm, nhu cầu sử dụng lao động theo nguyện vọng của các bên; Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Với vai trò là đơn vị trung gian kết nối cung, cầu lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa người lao động, cũng như các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động khai thác và cung ứng thông tin thị trường lao động bằng nhiều hình thức, như: Khai thác trực tiếp thông tin tại doanh nghiệp; qua website, tài khoản mạng xã hội facebook, zalo của Trung tâm; thường xuyên theo dõi các thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp qua các phương tiện thông tin, thực hiện liên hệ với doanh nghiệp để xác minh và khai thác thông tin tuyển dụng chi tiết, dữ liệu khai thác doanh nghiệp bảo đảm đủ thông tin, chất lượng. Cùng với đó, hàng tuần, Trung tâm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến để doanh nghiệp, người lao động tìm hiểu về thị trường lao động. Hàng tháng tổ chức phiên giao dịch việc làm cho người lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, tư vấn chính sách pháp luật lao động cho người lao động. Phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố tổ chức tư vấn, giới thiệu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT, sinh viên, bộ đội xuất ngũ, thanh niên..., tạo sự kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động./.
Minh Châu
 
 
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top