Thái Nguyên - Khát vọng vươn lên, tự tin hội nhập và phát triển bền vững

29/09/2023 - 10:38 AM
Là một tỉnh thuộc trung tâm của vùng Việt Bắc, nằm sát vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có hệ thống giao thông thuận lợi và kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, tỉnh Thái Nguyên có tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng nhờ các lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên khoáng sản, rừng…; Trên địa bàn còn có nhiều cơ sở công nghiệp lớn của Trung ương như: Khu công nghiệp Gang Thép, các nhà máy cơ khí Sông Công, Phổ Yên cùng công nghiệp khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, gia công, các nhà máy quốc phòng. Không những thế, Thái Nguyên còn là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của cả nước, bao gồm nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề… với đội ngũ trí thức và cán bộ khoa học, kỹ thuật đông đảo.
 

Sản phẩm chè của HTX Chè Hảo Đạt xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao
quốc gia, góp phần nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên

 
Nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của Tỉnh, tại Quyết định số 222/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 14/3/2023, Thái Nguyên đặt mục tiêu đưa tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. Cụ thể hóa những mục tiêu này, trong những năm qua, với sự nỗ lực quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong Tỉnh, Thái Nguyên đã cơ bản thực hiện tốt việc duy trì ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân.
 

Sản xuất miến dong tại HTX miến Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ – Sản phẩm OCOP cấp quốc gia
5 sao ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng 

 
Nền kinh tế của Tỉnh phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp tục bứt phá và đứng trong top đầu cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2021- 2022 đạt 7,55%/năm; 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,17%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp đạt cao, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân 9,48%/năm; 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu toàn Tỉnh giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân 10,9%/năm; liên tục giữ vững vị trí thứ 4 cả nước về xuất khẩu. Giá trị sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định và duy trì là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực và đời sống của nhân dân. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân 4,2%/năm; 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,7% so với cùng kỳ. Ngành nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô trang trại lớn.
 

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện
các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

 
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn Tỉnh có 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 85,7%. Trong đó, có 8 xã NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu;04 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hoàn thành mục tiêu phát triển thị xã Phổ Yên lên thành phố Phổ Yên sớm 03 năm so với mục tiêu Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đề án xây dựng huyện Định Hóa trở thành huyện NTM vào năm 2023 được tập trung thực hiện với quyết tâm cao và sự đồng hành tích cực của các Bộ, ban, ngành Trung ương.
 

Thái Nguyên đã quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn,
sẵn sàng đón nguồn vốn FDI. Ảnh: Mạnh Hùng

 
Công tác lập Quy hoạch tỉnh được triển khai thực hiện quyết liệt, Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tỉnh. Với việc tích cực huy động vốn từ các nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nhiều hình thức đầu tư; nhiều công trình, dự án trọng điểm quan trọng trên địa bàn Tỉnh được triển khai tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Nhiều dự án, công trình quy mô lớn được khởi động, đẩy nhanh tiến độ, trong đó nhiều công trình về trước kế hoạch, tạo sức lan tỏa và tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và của cả vùng, như: Khởi công dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; khởi công dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2; khởi công tuyến đường Sông Công - Núi Cốc; hoàn thành Đường tỉnh 261, Đường tỉnh 266. Thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt nhiều kết quả tích cực, là điểm sáng trong cả nước.
 
 
Sản xuất điện thoại thông minh tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên
 
Nhờ tiếp tục đổi mới, ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong công tác xúc tiến đầu tư, Thái Nguyên đã thu hút được một số dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao như: Dự án sản xuất lưới bóng chip bán dẫn của Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam năm 2022 (điều chỉnh tăng vốn thêm gần 1,2 tỷ USD), Dự án sản xuất thanh silic và tấm silic đơn tinh thể của Công ty TNHH Trina Solar Wafer năm 2022 (số vốn đăng ký là 275 triệu USD). Đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 180 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,5 tỷ USD. Thái Nguyên luôn duy trì trong top đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI và nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Các xếp hạng về cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của người dân, sự tương tác giữa người dân và chính quyền tăng mạnh, đứng trong top 5 của cả nước. Năm 2022, Thái Nguyên đứng vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).
 
 
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (KCN Yên Bình)
 
Phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021-2025 được triển khai đồng bộ, hiệu quả góp phần trực tiếp vào công tác cải cách hành chính bảo đảm minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; qua đó đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước. Tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả bước đầu ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đã thành lập Trung tâm điều hành thông minh (IOC); cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến; triển khai ứng dụng nhằm phát triển chính quyền số, xã hội số như: “C-ThaiNguyen”, “Thái Nguyên ID”, Sổ tay đảng viên điện tử… Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh tiên phong thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá là cao.
 
 
Ông Kwon Sung Taek, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam (KOVECA) mong muốn nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên
 
Đến nay, Thái Nguyên đã hoàn thành triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu; hoàn thành chỉ tiêu cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với thời hạn Bộ Công an giao). Dựa trên việc phát huy hiệu quả của thẻ căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử, người dân Thái Nguyên hiện nay có thể thực hiện các thủ tục hành chính thông qua ứng dụng VNeID. Năm 2022, Thái Nguyên đã vinh dự đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (tăng 4 bậc so với năm 2021).
 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng Dự án
cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Công ty SEMV)

 
Những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực mà Thái Nguyên đạt được trong những năm qua sẽ là tiền đề vững chắc để Thái Nguyên tự tin hội nhập và phát triển. Tin rằng, trong tương lai không xa Thái Nguyên sẽ hiện thực hóa khát vọng: Xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc đúng như lời căn dặn của Bác Hồ “Ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”./.
                                                       Hà Văn Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, 
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top