Thái Nguyên: Tập trung mọi nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

08/10/2023 - 01:37 PM
Thái Nguyên là nơi hội tụ, giao lưu, sinh sống lâu đời của 46 dân tộc anh em, trong đó đồng bào DTTS có khoảng 384 nghìn người, chiếm gần 30% dân số toàn Tỉnh. Địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, miền núi thuộc 5 huyện Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, là các khu vực kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn,… Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thay đổi toàn diện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.
 
Những chuyển biến tích cực, toàn diện vùng DTTS và miền núi
 
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại tỉnh Thái Nguyên được triển khai với 10 dự án thành phần đặc thù như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
 

Phát triển các mô hình sản xuất, đời sống của đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên ngày càng khởi sắc
 
Xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, ngày 30/6/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH- UBND triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong Tỉnh đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
 
Đến nay, sau hơn một năm triển khai, thực hiện Kế hoạch số 97, Chương trình đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng. Hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc đã kịp thời phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND các cấp phân bổ nguồn kinh phí được giao, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đảm bảo hoàn thành kế hoạch. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS và miền núi giảm từ 19,22% năm 2016 xuống còn 3,21% vào cuối năm 2022. Ước tính đến hết năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có 53,33% số xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, vượt mục tiêu 50% trong giai đoạn 2021-2025.
 

Người uy tín trong đồng bào DTTS và miền núi được tập huấn các văn bản
của Trung ương, tỉnh về công tác dân tộc

 
Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội: 100 % xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,79% xóm thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 95% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; tỷ lệ học sinh các cấp (từ mầm non đến trung học cơ sở) được đến trường đều đạt trên 99%. 100% xã có trạm y tế trong đó có có trên 90% xã có bác sĩ; trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
 

Đồng bào Sán Chay, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương múa Tắc xình
 
Nâng cao hiệu quả chính sách đặc thù cho vùng DTTS và miền núi

Kết quả trên là những con số biết nói, cho thấy tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc một cách bài bản, căn cơ, có trọng tâm, trọng điểm; chính sách đi liền với ngân sách; phân cấp mạnh, có sự giám sát và đồng thuận của Nhân dân.
 
Các cơ quan, ban ngành, chính quyền các địa phương chủ động tích cực tham gia phối hợp có hiệu quả, đặc biệt trong vấn đề tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị triển khai thực hiện. Người dân chủ động giám sát trong việc tổ chức thực hiện các nội dung từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, nghiệm thu kết quả và sử dụng.
 

Lãnh đạo UBND tỉnh và đồng chí Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tặng Giấy khen cho các đại biểu
tại
Hội nghị biểu dương Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh năm 2023

 
Nhằm phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, tiếp tục thực hiện công tác dân tộc trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp:
 
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tại địa phương; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tại địa phương trong thực hiện Chương trình, Nhà nước hỗ trợ, người dân chủ động thực hiện.
 

Đồng chí Hoàng Văn Chính tặng quà cho các em học sinh dân tộc thiểu số
có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập

 
Tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách của Tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn để tập trung hỗ trợ, thu hút thêm nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng; hoàn thiện các cơ chế chính sách giảm nghèo để làm căn cứ phát lý trong tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định của phát luật.
 
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình đặc biệt ở cấp cơ sở…
 

Đồng chí Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc trao quà cho các gia đình dân tộc thiểu số nghèo
của xã Linh Thông, huyện Định Hóa

 
Chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị thực hiện việc thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch, huy động nguồn lực, giải ngân các nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn; Chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án; không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng; trách dàn trải, lãng phí.
 
Thường xuyên kiểm tra giám sát kết quả triển khai thực hiện Đề án, trọng tâm là việc thực hiện cơ chế, chính sách, huy động và sử dụng hiện quả nguồn lực, quản lý, sử dụng, nâng cao chất lượng các công trình.
 

Đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh trao quà lưu niệm
cho các đại biểu Người có uy tín tỉnh Thái Nguyên

 
Thông qua các chính sách, biện pháp cụ thể, đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, tinh thần vươn lên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
Trọng Nghĩa

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top