Hà Giang: Duy trì đà tăng trưởng tín dụng ổn định và an toàn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

20/08/2021 - 09:44 AM
 

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc; địa bàn tỉnh gồm 11 huyện, thành phố thì có 6 huyện thuộc diện huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; có 133/193 xã là xã vùng III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước. Với địa bàn rộng, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, đồng bào DTTS là chủ yếu, lại sinh sống phân tán, thường xuyên gặp mưa lũ, sạt lở đất. Đặc biệt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến chưa mang tính chất quy mô hàng hóa, các sản phẩm chưa tạo được thương hiệu có tính giá trị và ổn định... Theo đó, nguồn vốn của hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM, xóa đói giảm ở địa phương.

Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại tỉnh Hà Giang nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do dịch bệnh Covid-19

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng của ngành Ngân hàng tỉnh Hà Giang đã góp phần quan trọng tạo nguồn nội lực thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã làm tốt vai trò quản lý, chỉ đạo điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống các ngân hàng, TCTD trên địa bàn phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.

Lãnh đạo ngành Ngân hàng Hà Giang tham gia tiếp xúc cử tri cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang

Hiện nay, mạng lưới hoạt động của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh Hà Giang không ngừng phát triển, mở rộng bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với 01 Hội sở chính tỉnh, 11 Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện, thành phố cùng các phòng giao dịch; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển với 01 Hội sở chính tỉnh và các Phòng giao dịch; Ngân hàng Chính sách Xã hội với 01 Hội sở chính tỉnh, 10 Phòng giao dịch huyện và 193 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; Ngân hàng TMCP Công Thương với 01 Hội sở chính và các Phòng giao dịch; Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt với 01 Hội sở chính và các Phòng giao dịch; Ngân hàng TMCP Bắc Á Chi nhánh Hà Giang; Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Hà Giang; Hệ thống các Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở xã, phường, thị trấn (QTDND) gồm: QTDND Quang Trung, QTDND Liên Hiệp, QTDND thị trấn Việt Quang, QTDND thị trấn Việt Lâm, QTDND thị trấn Vị Xuyên; QTDND Phương Thiện, QTDND Tam Sơn…


Hoạt động giao dịch khách hàng tại các ngân hàng Hà Giang trở nên sôi động hơn

Những năm gần đây, ngành Ngân hàng tỉnh Hà Giang đã luôn tập trung bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ theo chủ trương của Chính phủ và NHNN Việt Nam; triển khai tổ chức thực hiện tốt các giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng; chủ động tiếp cận, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hệ thống ngân hàng trên địa bàn kiên định các mục tiêu, kế hoạch đề ra từ đầu năm, tập trung tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực có thế mạnh, là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tích cực cải tiến quy trình thủ tục vay vốn,  nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ.

Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang

Theo đó, các TCTD đã triển khai, thực hiện các giải pháp để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi như: Triển khai giao dịch và giải ngân tại trụ sở UBND cấp xã; thực hiện giao dịch trên môi trường mạng và điện tử; thực hiện giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng; triển khai Cổng thông tin kết nối khách hàng vay vốn với các TCTD. Khách ngồi tại nhà có thể đăng ký nhu cầu vay vốn tại TCTD, lựa chọn các gói tín dụng phù hợp, tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Với các giải pháp đồng bộ như vậy, ngành Ngân hàng đã cung ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn tín dụng hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp. Nhất là thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh; vừa tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, vừa góp phần hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn. Đồng thời, người dân cũng được sử dụng các tiện ích ngân hàng hiện đại, từng bước hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt và nền tài chính minh bạch, an toàn.

Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Chi nhánh Hà Giang với 
Công ty Cổ phần Năng lượng Quảng Nguyên

Với phương châm “Nguồn vốn là điều kiện quyết định tăng trưởng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tập trung triển khai nhiều giải pháp linh hoạt như tăng cường quảng bá các sản phẩm dịch vụ huy động tiết kiệm trong dân cư, chăm sóc khách hàng, áp dụng các mức lãi suất hấp dẫn phù hợp pháp luật, sử dụng công nghệ ngân hàng hiện đại như huy động online… để thu hút nguồn vốn trên địa bàn. Kết quả, từ năm 2018-2020, các chỉ tiêu hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn đạt và vượt kế hoạch Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh và của ngành đề ra. Cụ thể, tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD trên địa bàn tính đến 31/12/2020 đạt 25.536 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 13.646 tỷ đồng, so với 31/12/2019 tăng 1.375 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 11,2%; vượt kế hoạch năm 2020 (KH tăng 8-10%).

Đồng chí Sầm Văn Hành – Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh 
thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc

Song song đó là sự tăng trưởng về đầu tư tín dụng. Các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh Hà Giang luôn đảm bảo tăng trưởng tín dụng bền vững, an toàn và hiệu quả. Tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn tính đến 31/12/2020 đạt 23.764 tỷ đồng; so với 31/12/2019 tăng 2.271 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 12%; vượt kế hoạch năm 2020 (KH tăng 8-10%). Để có được những kết quả khả quan như trên là do các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng khách hàng, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng mở rộng cho vay các thành phần kinh tế và dân cư, cho vay các ngành nghề sản suất, kinh doanh là thế mạnh của địa phương.

Đại diện Agribank  Chi nhánh tỉnh Hà Giang trao kinh phí ủng hộ cho tỉnh phòng, chống dịch Covid – 19

Đồng thời, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu, kế hoạch đã được ngân hàng cấp trên giao; gắn việc thực hiện kế hoạch với phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, ưu tiên tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, XDNTM, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa…; Điều chỉnh cơ cấu tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình sử dụng vốn vay. Tính đến 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu là 0,37%/tổng dư nợ, đạt và vượt kế hoạch năm 2020. Ngoài ra, các ngân hàng, TCTD đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 cho 27.307 khách hàng, dư nợ 5.612,6 tỷ đồng.

Giám đốc NHNN tỉnh và lãnh đạo Agribank tỉnh dự Lễ khánh thành và bàn giao căn nhà ở cho hộ gia đình
Cựu chiến binh nghèo Nguyễn Văn Trăng tại xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang

Năm 2020, bên cạnh hoạt động kinh doanh, ngành Ngân hàng tỉnh Hà Giang cũng luôn chú trọng đến công tác an sinh xã hội ở địa phương. Cụ thể, trợ giúp, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn, gia đình nghèo, hộ chính sách, cựu chiến binh nghèo như: Xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng trường học, phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, ngày khai giảng năm học mới... Tổng số tiền thực hiện trong năm 2020 là 26 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thường xuyên cử cán bộ phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Đại diện Đoàn công tác NHNN Hà Giang trao quà cho Đại diện Đồn Biên phòng Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số chương trình tín dụng mặc dù ngành Ngân hàng tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng quy mô tín dụng chưa tương xứng với tiềm năng. Trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất cơ bản thiếu liên kết; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ; các tổ chức sản xuất chủ yếu có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp; chất lượng lao động thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc đầu tư vốn của các TCTD gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người dân chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn; hoạt động sản xuất chậm phục hồi. Đây là những khó khăn đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của ngành Ngân hàng.

Đại diện Đoàn công tác NHNN tỉnh trao quà cho Đại diện Đồn Biên phòng Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, nghiêm túc, kịp thời chỉ đạo của NHNN Việt Nam; vận dụng linh hoạt, đúng chủ trương, định hướng của NHNN Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao; đảm bảo hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu hoạt động năm 2021 theo mục tiêu, nhiệm vụ chung của ngành và các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh Covid – 19  vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang./. 
Trọng Nghĩa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top