Hải Phòng: Từng bước đưa hoạt động giáo dục nghề nghiệp sát với nhu cầu của thị trường lao động

25/09/2023 - 10:03 AM

Là trung tâm cảng biển lớn nhất miền Bắc, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển đồng bộ, thành phố Hải Phòng đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Thành phố cần phát triển một hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có chất lượng để đào tạo lực lượng lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp.

Tính đến hết tháng Năm năm 2023, tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp GDNN và có hoạt động GDNN trên địa bàn thành phố là 64 đơn vị. Quy mô tuyển sinh đào tạo được cấp/năm của các cơ sở GDNN là 54.093 người học/năm, trong đó trình độ cao đẳng 6.825 người, trình độ trung cấp là 8.435 người, trình độ sơ cấp là 38.833 người.

Những năm gần đây, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp của thành phố Hải Phòng có bước chuyển biến tích cực, kỹ năng nghề của người học sau khi tốt nghiệp được nâng lên. Có từ 80-85% số lao động qua đào tạo nghề trình độ cao đẳng được sử dụng đúng nghề; 30% số lao động qua đào tạo có kỹ năng nghề từ khá trở lên. Một số nghề như: Hàn, Dịch vụ nhà hàng, Điều khiển tàu biển… kỹ năng nghề của sinh viên đã đạt chuẩn quốc tế, qua đó bước đầu đáp ứng được nguồn nhân lực có tay nghề cao theo yêu cầu của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp FDI và cho xuất khẩu lao động. Lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực và bước đầu có thể đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, người học nghề có việc làm ngay sau khi ra trường đạt trên 85%, ở một số nghề, tỷ lệ này đạt 100%.

 
Hải Phòng: Từng bước đưa hoạt động giáo dục nghề nghiệp sát với nhu cầu của thị trường lao động
Giờ học thực hành Vận hành máy Lớp thợ máy theo đơn đặt hàng của VOSCO tại Trường Cao đẳng Hàng hải I
 
Để đào tạo nghề sát với yêu cầu của thị trường lao động, thành phố Hải Phòng đã thực hiện một số giải pháp để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố. Theo đó, thành phố Hải Phòng đẩy mạnh việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN; chỉ đạo các cơ sở GDNN triển khai rà soát, xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình cho phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp; đổi mới quy trình, phương pháp phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông dựa trên mô đun, tín chỉ và các quy đổi tương đương, đáp ứng chuẩn đầu ra và khối lượng học tập tối thiểu. Phát triển chương trình đào tạo các ngành, nghề mới, ngành, nghề công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng tương lai và các chương trình đào tạo cho người lao động trong các doanh nghiệp theo hình thức vừa làm vừa học phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thành phố khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở GDNN phát triển các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, các chương trình đào tạo cho người nước ngoài tại Việt Nam. Đa dạng hóa phương thức tổ chức đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Phát triển mạnh học nghề tại nơi làm việc; khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động, đào tạo cho lao động di cư; đẩy mạnh triển khai đào tạo theo nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai liên kết nhà trường và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thành phố khuyến khích các cơ sở GDNN nghiên cứu, triển khai một số mô hình đào tạo mới, nhất là đào tạo những ngành, nghề đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế số và phát triển bền vững, bao trùm trong giáo dục nghề nghiệp; nhân rộng đào tạo theo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài; áp dụng công nghệ đào tạo, nhân rộng các mô hình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển; mời giảng viên nước ngoài giảng dạy một số ngành, nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi mà thế kỷ XXI đòi hỏi cùng kỹ năng mềm, kỹ năng số, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trọng tâm là phát triển đội ngũ nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, có năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

 
Hải Phòng: Từng bước đưa hoạt động giáo dục nghề nghiệp sát với nhu cầu của thị trường lao động
Học sinh Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng tham quan thực tế
tại Xí nghiệp sản xuất nước An Dương

 
Song song với đó, thành phố Hải Phòng đẩy mạnh thực hiện mô hình giáo dục nghề nghiệp gắn kết với doanh nghiệp. Thời gian qua, nhiều hình thức hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã được triển khai như: Cơ sở GDNN đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp (về ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo, số lượng người học được tuyển dụng sau tốt nghiệp…); doanh nghiệp tiếp nhận người học thực tập tại doanh nghiệp, tiếp nhận nhà giáo tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề tại doanh nghiệp; doanh nghiệp cử cán bộ tham gia các hoạt động GDNN (giảng dạy; hướng dẫn thực tập cho người học; đánh giá kết quả học tập của người học; xây dựng chương trình đào tạo; thẩm định chương trình đào tạo; xây dựng giáo trình đào tạo; thẩm định giáo trình đào tạo…); doanh nghiệp cấp học bổng cho người học; doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, nguyên vật liệu thực hành, thực tập cho cơ sở GDNN; người lao động tại doanh nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và các kỹ năng phục vụ vị trí làm việc tại cơ sở GDNN…

Các hình thức hợp tác giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp đã góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN của các cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố; hoạt động đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã chuyển từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở GDNN sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; người học được tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thực hành đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, nâng cao tính chủ động của học sinh sinh viên, qua đó bước đầu thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, tăng quyền tự chủ, chủ động trong nhà trường, nâng cao tính cạnh tranh trong các cơ sở GDNN. Và quan trọng nhất là người học sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm được việc làm trong doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp cũng dễ dàng tuyển dụng được lao động có tay nghề phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tiết kiệm chi phí và thời gian của cả người học và doanh nghiệp./.

Thành Nam


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top